Triển khai nhiều giải pháp tìm dư địa tăng trưởng
Từ cuối quý II-2023, kinh tế đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực hơn, song với mức tăng trưởng thấp của nửa đầu năm, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) để tìm dư địa tăng trưởng dựa trên những lĩnh vực có tính khả thi cao.
Các DN nỗ lực sản xuất để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH CICOR Việt Nam, KCN VSIP 1
Áp lực lớn
Theo đánh giá của UBND tỉnh, đầu quý 3-2023, tình hình kinh tế - xã hội có sự chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7-2023 ước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Cùng với đó kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước tăng 17,6% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 18,7% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn rất khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng giảm 16,5%, nhập khẩu giảm 13,8% so với cùng kỳ.
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Điều hành TBS Logictics, cho biết đến thời điểm hiện tại, sản lượng hàng qua cảng cạn giảm khoảng 20% so với năm trước. Theo ông Lê Mạnh Hà, trong bối cảnh khó khăn của DN và sụt giảm của tổng cầu thế giới, việc giữ được mức lưu chuyển hàng hóa như hiện nay cũng đã là nỗ lực lớn, đáng mừng hơn gần đây đã có những dấu hiệu hồi phục.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn vẫn tiếp tục đối diện với các khó khăn như thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, vốn để duy trì sản xuất còn thiếu. Lãi suất vay vốn hiện nay đang từng bước giảm nhưng việc tiếp cận nguồn vốn gặp nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Trần Phi Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, đặt vấn đề: “Trong điều kiện kinh tế hiện nay, các ngành đã có tham mưu, đề xuất như thế nào về các chính sách và chương trình để hỗ trợ lãi suất hoặc nguồn vốn ưu đãi cho các đối tượng khó khăn, bao gồm các DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá nhân?”.
Thực tế, với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Khảo sát tại nhiều DN cho thấy khó khăn không chỉ đơn lẻ ở lĩnh vực nào mà kéo theo cả dây chuyền. Hiện các DN đang đẩy mạnh liên kết, xúc tiến đầu tư để có thêm đơn hàng. Trong đó, DN tập trung khai thác những thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và tìm kiếm thị trường mới. Ông Bùi Như Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt ( TP.Dĩ An) chia sẻ, đối với các chủ DN, ưu tiên trước hết là duy trì được sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn buộc DN phải tìm cách thích nghi, nếu không sẽ rất khó để tồn tại.
Đồng hành, hỗ trợ tối đa
Ông Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp về đầu tư hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, tìm kiếm thị trường mới… Bên cạnh đó, Bình Dương đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, luôn đồng hành, tăng cường hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xem khó khăn của DN là khó khăn của chính quyền tỉnh.
Thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã tiếp nhận hơn 170 phản ánh, kiến nghị của các DN. Đối với các phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan để giải quyết và có văn bản gửi đến các DN. Đối với các nội dung không thuộc thẩm quyền, UBND đang tổng hợp để kiến nghị Trung ương, các bộ, ngành có liên quan tìm hướng giải quyết.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn; tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và hoàn thiện các thủ tục liên quan đến DN; rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ; hỗ trợ DN nộp hồ sơ, thủ tục qua mạng, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện. Cùng với đó, các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương: Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.