Triển khai nhiều giải pháp về quản lý rác thải nhựa

Thực hiện Kế hoạch số 48/KH-UBND, ngày 02/6/2023 của UBND tỉnh về việc quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thông tin, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, túi ni-lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người... hướng đến hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm...).

Hội LHPN tỉnh trao tặng sọt đựng rác thải nhựa cho 30 thành viên của mô hình chi hội “Gia đình 5 có, 3 sạch” ấp Dinh An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè.

Hội LHPN tỉnh trao tặng sọt đựng rác thải nhựa cho 30 thành viên của mô hình chi hội “Gia đình 5 có, 3 sạch” ấp Dinh An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè.

Là tỉnh vùng ven biển, với tập quán, thói quen và sự tiện lợi của các sản phẩm nhựa được dùng một lần trong lưu giữ, vận chuyển mặt hàng thủy sản khá phổ biến; cùng với đó là các sản phẩm nhựa từ các ngư lưới cụ sau quá trình khai thác, đánh bắt bị hư hỏng phải đào thải hay lượng rác thải nhựa từ ngoài biển trôi dạt khi vào mùa mưa bão... đang gây ra nhiều khó khăn cho các địa phương vùng ven biển trong xử lý về rác thải nhựa đại dương. Cùng với đó là rác thải nhựa trong quá trình sử dụng của người dân tại các khu dân cư thải ra ngoài môi trường... đã làm gia tăng áp lực về lượng rác thải nhựa vào môi trường.

Theo thống kê từ ngành chuyên môn, từ năm 2017 - 2022, tỷ lệ rác thải nhựa trong rác thải sinh hoạt tại các khu du lịch dao động từ 13,3 - 83,3% và ở các chợ truyền thống dao động từ 23,3 - 45,24%. Với các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa phát sinh chủ yếu từ bao bì chứa thức ăn nuôi, trồng thủy sản, các sản phẩm nhựa chứa thuốc, hóa chất dùng trong nuôi, trồng thủy sản…

Thông tin từ lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh đã xây dựng được 872 mô hình bảo vệ môi trường, 3.997 câu lạc bộ môi trường với 84.538 thành viên. Năm 2023, triển khai xây dựng 04 mô hình thí điểm về giảm thiểu, thu gom rác thải nhựa tại 04 trường học ở xã Đôn Xuân (huyện Duyên Hải); chợ thị trấn Càng Long (huyện Càng Long); khu dân cư ở 03 xã Kim Hòa, Hiệp Mỹ Tây, Nhị Trường (huyện Cầu Ngang) và 01 điểm thu gom rác thải nhựa (hộ kinh doanh thu mua phế liệu)...

Ghi nhận từ thực tế cho thấy bên cạnh các mô hình điểm; các ngành đoàn thể đã tham gia phối hợp thực hiện khá tốt việc thu gom rác thải, trong đó có rác thải nhựa thông qua các mô hình của Hội LHPN phát động; như mô hình “Hạt gạo từ chai nhựa, lon nhôm” của Hội LHPN huyện Tiểu Cần; mô hình “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa” của các cấp Hội LHPN ở cơ sở; mô hình chi hội “Gia đình 5 có, 3 sạch” (5 có: ngôi nhà an toàn, sinh kế bền vững, sức khỏe, kiến thức, nếp sống văn hóa; 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) gắn với mô hình xử lý, thu gom rác thải nhựa trong phong trào XDNTM của Hội LHPN huyện Cầu Kè...

Trên địa bàn huyện Cầu Ngang, ngoài việc triển khai thí điểm mô hình giảm thiểu rác thải nhựa và kết nối mô hình thu gom rác thải nhựa (tháng 6/2023) tại khu dân cư trên địa bàn 03 xã Kim Hòa, Nhị Trường và Hiệp Mỹ Tây (huyện Cầu Ngang) có 120 hộ và 01 doanh nghiệp tham gia.

Từ năm 2019, các hoạt động về công tác quản lý rác thải nhựa đã được các ngành đoàn thể như Hội LHPN, Huyện Đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo... triển khai lồng ghép gắn vào trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Về công tác tuyên truyền, đã triển khai cho 14/14 cơ sở Hội LHPN về sử dụng giỏ xách nhựa; túi sinh thái thay thế sử dụng việc sử dụng túi ni-lông sử dụng 01 lần; hội thi Cầu Ngang chung tay bảo vệ môi trường - xây dựng nông thôn mới... Hướng dẫn, hỗ trợ 1.350 hộ thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt ủ làm phân hữu cơ (kết quả, xử lý khoảng 4,05 tấn rác/ngày; thu hồi 712kg rác thải nhựa).

Còn tại huyện Duyên Hải, là vùng ven biển, phát triển với nghề nuôi thủy sản, khai thác biển... Theo đồng chí Nguyễn Văn Oanh, Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duyên Hải: thực hiện mô hình quản lý rác thải nhựa, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho hội viên và người dân tại các xã, thị trấn, huyện còn xây dựng được mô hình “giảm thiểu rác thải nhựa, túi ni-lông sử dụng một lần” của Hội LHPN; qua đó, có 1.260 hội viên được tập huấn và hướng dẫn xử lý rác thải nhựa kết hợp với việc tặng 1.260 giỏ đi chợ cho hội viên.

Mô hình “Trường học xanh - sạch - đẹp” được triển khai ở 02 điểm trường của xã Ngũ Lạc và Long Vĩnh; đồng thời, hỗ trợ 02 thùng đựng rác để phân loại rác cho mỗi phòng học và tại văn phòng trường.

Mô hình “Nhặt rác thải nhựa đổi lấy gạo” từ năm 2022 thực hiện tại ấp điểm Đông Thành (xã Đông Hải), đến nay đã nhân rộng ra 100% ấp trên địa bàn xã. Trong này, nguồn rác thải nhựa được thu gom từ việc thu nhặt trên các tuyến đường giao thông; phân loại và thu gom rác thải nhựa tại hộ gia đình. Theo đó, số lượng rác thải nhựa sẽ được quy đổi 05kg rác thải nhựa/01kg gạo (nguồn gạo được Chi bộ và cơ sở tôn giáo trên địa bàn hỗ trợ, đóng góp).

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/trien-khai-nhieu-giai-phap-ve-quan-ly-rac-thai-nhua-30926.html