Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch số 4779 về việc triển khai hoạt động phân loại chất thải sinh hoạt từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết:
- Kế hoạch UBND tỉnh ban hành nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn theo quy định…
Phân thành các nhóm để xử lý
- Theo kế hoạch, việc thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào, thưa bà?
- Việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo Công văn số 9368, ngày 2-11-2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nhóm. Nhóm 1, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: Giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm 2, chất thải thực phẩm, gồm: Thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn, các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản... Nhóm 3, chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải nguy hại, cồng kềnh, chất thải khác còn lại.
Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được chứa đựng trong các bao bì, thùng chứa với màu sắc khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định (khuyến khích sử dụng màu trắng); lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Chất thải thực phẩm chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định; đảm bảo kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán; được lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Chất thải rắn sinh hoạt khác, chất thải nguy hại chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định (khuyến khích sử dụng màu vàng đối với chất thải rắn sinh hoạt khác và màu đen đối với chất thải nguy hại); lưu giữ bên trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo an toàn, tránh phát tán ra ngoài môi trường cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại. Chất thải rắn cồng kềnh lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
UBND cấp huyện (hoặc UBND cấp xã được ủy quyền) căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp và có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với chất thải rắn cồng kềnh và chất thải nguy hại, UBND cấp huyện (hoặc UBND cấp xã nếu được ủy quyền) có thể lựa chọn phương án thu gom tại điểm cố định hoặc thu gom tại nhà.
Áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh chậm nhất đến ngày 31-12-2024
- Yêu cầu và mục tiêu của kế hoạch mà UBND tỉnh hướng tới như thế nào, thưa bà?
- UBND tỉnh yêu cầu việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó UBND các cấp, nhất là cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò then chốt; đồng thời cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Việc thực hiện kế hoạch phải được thực hiện đồng bộ, rộng khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh; ưu tiên tập trung thực hiện trước tại các khu vực đô thị, đông dân cư, khu chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp…, từng bước mở rộng đến các khu vực nông thôn, đảm bảo việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh chậm nhất đến ngày 31-12-2024.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước phải tiên phong, gương mẫu thực hiện nghiêm túc việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người dân, hộ gia đình, cá nhân nơi cư trú thực hiện.
Kế hoạch đặt mục tiêu trong năm 2024, tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (sổ tay, clip, hướng dẫn kỹ thuật hoặc các hình thức khác phù hợp) và đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Năm 2025 và các năm tiếp theo, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại; đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
- Xin cảm ơn bà!
THÁI THỊNH (Thực hiện)