Triển khai sản xuất vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc

Ngày 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông năm 2020 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2021của các tỉnh phía Bắc. Đồng chí Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì. Dự ở điểm cầu tỉnh Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, diện tích sản xuất vụ Đông các tỉnh phía Bắc trong 5 năm gần đây không tăng mà có tương đối ổn định ở mức trên dưới 380.000 ha, tuy nhiên giá trị sản xuất vụ Đông tăng đều qua các năm, trong đó năm 2020, diện tích sản xuất đạt 375.000ha, giá trị sản xuất đạt 32.628 tỉ đồng.Thảo luận tại hội nghị cho thấy, các địa phương đều xác định vụ Đông là vụ chính, sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. Các tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách cụ thể sớm ngay từ đầu năm để hỗ trợ sản xuất vụ Đông. Có định hướng về cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng và triển khai kịp thời; công tác tuyên truyền về sản xuất vụ Đông được đẩy mạnh; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị sản xuất vụ Đông tăng do có sự chuyển dịch từ nhóm cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thị trường đầu ra ổn định; trồng rải vụ... đã góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Vụ Đông năm 2021, Bộ NN&PTNT xác định các tỉnh sẽ ổn định diện tích khoảng 400.000 ha, tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34 đến 35 nghìn tỉ đồng, trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.Vụ Đông năm 2020, tỉnh Phú Thọ gieo trồng đạt trên 12.612 ha, chủ yếu là ngô và rau xanh. Tỉnh cũng đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao. Các huyện, thành, thị đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp phát huy hiệu quả tốt trên thực tế. Vụ Đông năm 2021, toàn tỉnh dự kiến sẽ gieo trồng 12.370 ha cây trồng các loại, tập trung vào các loại ngô và rau xanh có giá trị kinh tế cao.Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh phía Bắc trong sản xuất vụ Đông những năm qua. Đồng chí đề nghị các tỉnh căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa vụ mùa 2021, điều kiện nguồn nước, đất đai và thị trường để chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp, đảm bảo đạt diện tích sản xuất vụ Đông tối đa, chắc ăn và đạt hiệu quả kinh tế; UBND các tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp thực tế để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cây vụ Đông.Thứ trưởng mong muốn các tỉnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo sản xuất, đổi mới phương thức chỉ đạo; hỗ sản xuất, kết nối cung cầu và liên kết trong điều kiện dịch COVID-19 như hiện nay để đảm bảo vụ Đông thắng lợi và hiệu quả. Sở NN&PTNT các tỉnh sớm rà soát điều chỉnh kế hoạch vùng gieo trồng cây vụ Đông; đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương chính sách, tiến bộ kỹ thuật, cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh đến người sản xuất. Căn cứ vào kế hoạch chung của Bộ, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, thích ứng với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Thực hiện triệt để các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển, lưu thông hàng hóa không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ như thời gian vừa qua.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải chỉ đạo Sở NN&PTNT và các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo sản xuất đúng khung lịch thời vụ; tận dụng lao động nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để tập trung sản xuất vụ đông; chú trọng tổ chức sản xuất theo hợp đồng, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, vận chuyển và tiêu thụ nông sản của địa phương. Tiếp tục khuyến khích tích tụ, cho mượn đất, thuê đất để hình thành vùng sản xuất tập trung. Đa dạng hóa cây trồng, chú trọng phát triển các cây rau màu có lợi thế của địa phương, có thị trường tiêu thụ; bố trí trồng thành nhiều trà để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động, tránh rớt giá, tăng hiệu quả kinh tế. Mở rộng diện tích áp dụng các hệ thống quản lý sản xuất rau an toàn VietGAP, hữu cơ... Tiếp tục thực hiện tái đàn vật nuôi theo tình hình thực tế. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng giống, vật tư; ký kết hợp đồng liên kết đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt là trên sàn giao dịch điện tử trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/202109/trien-khai-san-xuat-vu-dong-o-cac-tinh-phia-bac-179381