Triển khai tàu sân bay tại cửa ngõ Biển Đông, Hải quân Mỹ đang 'chọc giận' Bắc Kinh?
Ngày 21/6, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CNV 71) và USS Nimitz (CVN 68) đã bắt đầu hoạt động diễn tập phối hợp hành động trên vùng biển Philippines - cửa ngõ dẫn vào Biển Đông.
Tàu sân bay tấn công USS Theodore Roosevelt hoạt động ở Biển Philippines - cửa ngõ dẫn vào Biển Đông.
Lần đầu tiên kể từ năm 2017, Hải quân Mỹ đã triển khai 3 trong số các tàu sân bay của mình tại cửa ngõ Biển Đông tranh chấp trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng.
Các nhà phân tích nhận định việc Mỹ điều động 3 tàu sân bay đến Tây Thái Bình Dương có khả năng là để gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của mình trong khu vực.
Ngày 21/6, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cho biết nhóm tàu sân bay tấn công USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu tiến hành các hoạt động chung tại Biển Philippines.
Theo một tuyên bố, hai nhóm tàu sân bay tấn công này đã được lên kế hoạch tiến hành các cuộc diễn tập phòng không, giám sát trên biển, huấn luyện chiến đấu phòng không, diễn tập tấn công tầm xa, điều động phối hợp và các khoa mục khác.
Đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tàu sân bay tấn công số 9, nói: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi cùng nhau huấn luyện trong một kịch bản phức tạp. Bằng cách làm việc cùng nhau trong môi trường như vậy, chúng tôi có thể cải thiện các kỹ năng chiến thuật cũng như tính sẵn sàng trong bối cảnh khu vực đối mặt với áp lực ngày càng tăng và dịch bệnh Covid-19”.
Trong khi đó, tàu sân bay USS Ronald Reagan được đặt tại thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) và nhóm tàu tấn công cũng đang tiến hành các hoạt động tại Biển Philippines, theo những bức ảnh của Hạm đội Thái Bình Dương.
Mặc dù chưa rõ các tàu sân bay Mỹ hoạt động ở nơi nào tại vùng Biển Philippines hôm 21/6 hoặc điểm đến tiếp theo, song có thể nói Eo biển Luzon giữa Đài Loan và Philippines là lối vào "chảo lửa" Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, mặc dù Philippines, Việt Nam, Malaysia, hòn đảo Đài Loan và Brunei cũng có những tuyên bố chồng chéo ở vùng biển này, nơi hải quân Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á thường xuyên hoạt động.
Hải quân Mỹ đã chọc giận Bắc Kinh khi thường xuyên tiến hành huấn luyện và thực hiện cái gọi là các chiến dịch tự do hàng hải gần một số hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả các đảo nhân tạo, đồng thời khẳng định rằng quyền tự do tiếp cận là rất quan trọng đối với các vùng biển quốc tế.
Washington đã “trừng phạt” Bắc Kinh vì những động thái của họ trong vùng biển này, trong đó có việc xây dựng các đảo nhân tạo, sân bay quân sự và lắp đặt vũ khí tối tân. Mỹ lo ngại các tiền đồn này có thể được sử dụng để hạn chế di chuyển tự do trên Biển Đông, bao gồm các tuyến đường biển quan trọng khi khoảng 3.000 tỷ USD thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối tuần qua đã lên tiếng chỉ trích khi có thông tin rằng 3 tàu sân bay Mỹ đang cùng hoạt động tại Thái Bình Dương. Trong một bản tin, tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng việc Mỹ triển khai các tàu sân bay có thể khiến quân đội Trung Quốc gặp nguy hiểm.
Bản tin trích lời chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh nói: “Bằng cách huy động các tàu sân bay, Mỹ đang cố gắng chứng minh cho cả khu vực và thậm chí cả thế giới thấy rằng Mỹ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất”.
Nhưng cũng theo bản tin, Trung Quốc có thể chống lại Mỹ bằng cách tổ chức các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển này cùng thời điểm đó. Đáng chú ý, Bắc Kinh có nhiều loại vũ khí được thiết kế để đánh chìm tàu sân bay, bao gồm các tên lửa đạn đạo mang tên “kẻ hủy diệt chiếm hạm” DF-21D và DF-26.
Quân đội Mỹ trong những tháng gần đây đã phải vật lộn với dịch Covid-19 khi họ chiến đấu để duy trì sự hiện diện khó khăn ở khu vực Tây Thái Bương, trong khi vừa đảm bảo an ninh cho các đồng minh, vừa ngăn chặn Trung Quốc tận dụng bất kỳ sự sơ hở nào. Hải quân Mỹ đã hồi phục sau những trường hợp nhiễm Covid-19 được phát hiện trên tàu, bao gồm những ca nhiễm ở trên cả 3 tàu sân bay hiện đang hoạt động ở Biển Philippines, cùng với nhiều tàu bị nhiễm nặng đã trở lại hoạt động.
Đô đốc James Kirk, chỉ huy Nhóm tàu sân bay tấn công số 11, nói: “Các hoạt động của chúng tôi thể hiện sự kiên cường và tính sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hải quân và là một thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định khu vực khi chúng tôi bảo vệ các quyền quan trọng, quyền tự do và sử dụng hợp pháp vùng biển này cũng như vì lợi ích của tất cả các nước”.
Theo Hải quân Mỹ, các tàu sân bay của họ đã tiến hành hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như Biển Philippines trong những năm qua. Những hoạt động này về cơ bản diễn ra khi các nhóm tàu tấn công triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 từ Bờ tây nước Mỹ liên kết với nhóm tàu sân bay tấn công được triển khai từ Yokosuka.
Việc triển khai đến Thái Bình Dương trong tháng này là hoạt động lớn nhất kể từ năm 2017 khi Mỹ điều 3 tàu sân tới đến khu vực trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Triều Tiên được trang bị hạt nhân.
Theo các nguồn tin quân sự khu vực, Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ lập một nhóm tác chiến tàu sân bay kép gồm hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông cùng đội tàu hộ tống từ 3 hạm đội chính để tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn quanh Đài Loan và ở Biển Đông vào mùa Hè này. Hiện Hải quân PLA đang chuẩn bị cho cuộc tập trận này.
Trước đó, hai tàu sân bay nói trên của Trung Quốc đã được triển khai lần đầu tiên vào tháng 5 vừa qua, tại Vịnh Bột Hải ở Hoàng Hải để tiến hành diễn tập khả năng sẵn sàng tác chiến.