Triển khai thu phí tự động chậm: Bộ GTVT nhận phê bình nghiêm khắc

Từ đầu năm 2020 tới nay, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức liên tiếp 3 cuộc họp để đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm theo yêu cầu của Thủ tướng do triển khai thu phí tự động không dừng chậm tiến độ.

Bộ GTVT đề xuất cho phép nhà đầu tư BOT giao thông và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động được thống nhất đơn vị quản lý và vận hành trạm thu phí.

Bộ GTVT đề xuất cho phép nhà đầu tư BOT giao thông và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động được thống nhất đơn vị quản lý và vận hành trạm thu phí.

Trách nhiệm từ bộ tới địa phương

Theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định 07/2017 của Thủ tướng, việc triển khai thu phí dịch vụ đường bộ tự động không dừng trên toàn quốc phải xong trước ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp nhiều vướng mắc, dẫn tới không đạt mục tiêu trên.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, không ít nhà đầu tư dự án BOT giao thông đã không đồng tình với cách triển khai của Bộ GTVT khi cho rằng, họ không có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động (chỉ 1 đơn vị cung cấp độc quyền); không được quản lý trạm thu phí (phải bàn giao trạm cho đơn vị thu phí tự động).

Trong khi đó, đơn vị triển khai thu phí tự động (Cty VETC) gặp khó khăn về tài chính, đứng trước nguy cơ phá sản. Chưa nhiều chủ phương tiện sử dụng thu phí tự động do tài khoản giao thông nhất là khi họ phải nộp tiền trước nhưng không được tính lãi suất nếu kết dư. Theo các chuyên gia giao thông, có không ít nhà đầu tư BOT giao thông thích thu phí thủ công, vì nó kém minh bạch hơn thu phí tự động…

Một lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, triển khai thu phí tự động trên thực tế gặp khó khăn, vướng mắc nhiều hơn dự liệu ban đầu, dẫn tới không đạt lộ trình Thủ tướng giao. Khó khăn chủ yếu liên quan tới pháp lý, đàm phán để lắp đặt hệ thống thu phí tự động. Với giai đoạn 2, liên danh nhà đầu tư trúng thầu (do Viettel đứng đầu) gặp khó khăn trong quá trình lập doanh nghiệp và dự án. Chủ phương tiện cũng chưa mặn mà sử dụng thu phí tự động… Ngoài ra, người thực hiện, quản lý, giám sát triển khai thu phí tự động gần như chưa có kinh nghiệm, nên quá trình thực hiện phát sinh tồn tại, hạn chế.

Về trách nhiệm, Bộ GTVT xác định, cơ quan này chịu trách nhiệm trong triển khai thu phí tự động chậm với các trạm do bộ quản lý (74 trạm thu phí); Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm với các tuyến cao tốc do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý (5 tuyến cao tốc); UBND các địa phương chịu trách nhiệm với những trạm thuộc phạm vi quản lý (19 trạm). “Nhận thức rõ trách nhiệm đó, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Về phần mình, từ tháng 1 đến tháng 3/2020, Bộ GTVT tổ chức 3 cuộc họp để kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Trong đó, có 4 đơn vị của Bộ GTVT nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm; Bộ trưởng Bộ GTVT và thứ trưởng phụ trách nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm; 30 cá nhân thuộc các đơn vị của bộ đã có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan tới việc dự án chậm tiến độ (9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm, 6 cá nhân nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm).

Có thể để nhà đầu tư BOT tự quản

Về giải pháp, Bộ GTVT cho hay, đã đề xuất các giải pháp về mặt pháp lý để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thu phí tự động. Trong đó, Bộ GTVT tập trung vào đề xuất sửa đổi Quyết định 07/2017 của Thủ tướng, dự thảo này vừa được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất, các trạm thu phí đang hoạt động phải vận hành thu phí tự động sau 1 năm kể từ ngày chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động. Với trạm thu phí mới, chỉ được thu phí khi đã triển khai thu phí tự động. Trạm thu phí nào chậm triển khai sẽ bị dừng thu phí.

Đặc biệt, Bộ GTVT đề xuất cho phép nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thỏa thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí (thay vì nhà đầu tư dự án BOT bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý, vận hành trạm thu phí cho đơn vị thu phí tự động như đã nêu trong Quyết định 07). Bên cạnh đó, chủ phương tiện, có thể nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền vào ví điện tử, hoặc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dự thảo cũng bổ sung quy định nộp phí theo tháng, quý. Chủ phương tiện cũng được sử dụng dịch vụ thu phí tự động khi chưa nộp tiền vào tài khoản giao thông, đơn vị thu phí sẽ ghi nợ và thông báo với chủ phương tiện; tối đa 10 ngày từ khi nhận thông báo, chủ phương tiện phải chuyển tiền trả phí. Trường hợp chủ phương tiện không nộp, đơn vị thu phí có quyền khởi kiện đòi nợ.

Ngoài ra, Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, cũng bổ sung quy định: Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng đối với người lái xe không hoàn thành đủ điều kiện để thu phí tự động mà đi vào làn thu phí tự động...

Từ tháng 1 đến tháng 3/2020, Bộ GTVT tổ chức 3 cuộc họp để kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Trong đó, có 4 đơn vị của Bộ GTVT nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm; Bộ trưởng Bộ GTVT và thứ trưởng phụ trách nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/trien-khai-thu-phi-tu-dong-cham-bo-gtvt-nhan-phe-binh-nghiem-khac-1652152.tpo