Triển khai thu phí tự động không dừng (ETC): Nhà đầu tư phản ảnh nhiều bất cập
Một số nhà đầu tư đường bộ BOT đang lo ngại về sự không đồng nhất của các công nghệ ETC lắp đặt trên các quốc lộ. Thậm chí, có công nghệ bị lỗi phần mềm, đếm sót xe… gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong quá trình hoàn vốn dự án.
Thủ tướng Chính phủ mới đây ra văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp BOT đến ngày 31/12/2019, trạm BOT nào chưa xây dựng xong hệ thống ETC thì sẽ bị dừng việc thu phí.
100 xe qua trạm chỉ đếm được… 30 xe
Đại diện Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang, ông Đinh Việt Hưng cho biết, từ năm 2017, BOT Hà Nội – Bắc Giang đã lắp được 6/13 cửa ETC. Hiện tại, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) đang phối hợp với BOT Hà Nội – Bắc Giang thực hiện thủ tục để tiến hành lắp đặt các cửa còn lại.
Theo ông Hưng, mốc thời gian phải xong hết là 31/12/2019, nhưng hiện nhà đầu tư tuyến đường không quyết định được, phụ thuộc vào VETC. “Bên chúng tôi sẵn sàng lắp đặt nhưng nhà thầu VETC có đủ năng lực tài chính để lắp đặt hết các trạm hay không thì chưa thể khẳng định”, ông Hưng nói.
Đại diện BOT này cho biết thêm, qua quá trình sử dụng ETC, đã phát hiện việc truyền dữ liệu có tình trạng bị chậm trễ. “Bình thường, số liệu in trong khoảng 30 giây sẽ có kết quả nhưng có lúc phải mất mấy ngày mới có kết quả”, ông Hưng nói và cho biết, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với các đơn vị công nghệ thông tin của VETC để điều chỉnh cho phù hợp. “Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên Tổng cục vấn đề này”, lời ông Hưng.
Được biết, nguyên nhân lỗi là tại thời điểm cuối ca in kết quả ra không khớp với thực tế. Theo đó, số ghi nhận thu trực tiếp lại cao hơn số thu mà dữ liệu máy báo lên. “Có nghĩa là 100 xe đi qua nhưng phần mềm chỉ ghi nhận được khoảng hơn 30 xe. Qua hậu kiểm, chúng tôi mới phát hiện ra”, lời ông Hưng. Theo đánh giá, thì đây là lỗi của hệ thống ETC, đã phản ánh không đúng số liệu.
Đại diện BOT Hà Nội - Bắc Giang cho rằng, quan điểm của nhà đầu tư là thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ; cái gì lợi cho người sử dụng thì sẽ thực hiện. Tuy nhiên, việc thu phí không dừng phải triển khai đồng bộ cả nước, phần mềm phải đảm bảo chuẩn xác để tăng cường tính minh bạch khi thu. “Hiện quy trình thực hiện thu phí tự động cũng còn nhiều bất cập, cần có cơ chế hậu kiểm để đảm bảo độ chính xác, tránh tình trạng đếm sót xe, ảnh hưởng đến doanh thu của nhà đầu tư dự án”, ông Hưng kiến nghị.
Ngoài ra, quy chuẩn, tiêu chuẩn tại các trạm cũng cần phải đồng bộ vì có thực trạng mỗi trạm lại được lắp một công nghệ, tiêu chuẩn khác nhau, khi đồng bộ kết nối có thể xảy ra sự sai lệch về số liệu. “Qua hậu kiểm mới phát hiện có sai hay không. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu chính đáng của doanh nghiệp. Với chúng tôi còn có thể tự hậu kiểm, nhiều trạm khác không thể làm việc này”, lời ông Hưng.
Ai chịu trách nhiệm về lỗi ETC?
Lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT, đơn vị này đang khẩn trương thực hiện xây dựng ETC tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5.
Đối với dự án này, để thực hiện ETC, đơn vị tự đầu tư thiết bị, xây dựng rồi kết nối với hệ thống của VETC. Riêng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, VIDIFI đầu tư tổng cộng 32 làn thu phí tự động, kinh phí dự kiến khoảng hơn 100 tỷ.
“Xây xong nhưng người dân có sử dụng không? Có chế tài nào bắt người dân phải dùng không? Cơ chế khuyến khích nào để người dân chuyển từ thanh toán truyền thống sang thanh toán điện tử?”, lãnh đạo VIDIFI băn khoăn và cho biết thêm, để nhiều người dân cùng sử dụng thì nên có cơ chế khuyến khích; đồng thời tài khoản để chủ xe bị trừ tiền nên tích hợp với thẻ ngân hàng, không nên dùng thẻ riêng, gây bất tiện cho người sử dụng.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình cho hay, đơn vị này rất ủng hộ chủ trương thu phí không dừng trên toàn quốc. Tuy nhiên, ông Bát nói, đang có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất bổ sung thêm một số điều khoản trong phụ lục hợp đồng BOT. Theo đó, những điều khoản này sẽ quy định thêm trách nhiệm của Bộ GTVT khi hệ thống ETC xảy ra lỗi, ảnh hưởng đến doanh thu.
“Bộ là người chọn Công ty VETC để ký kết hợp đồng thực hiện trạm ETC. Nếu sau này có tranh chấp gì xảy ra giữa chủ đầu tư và người cung cấp ETC thì Bộ phải có trách nhiệm cùng giải quyết”, ông Bát nói.
Hiện, đơn vị này đang phối hợp với Công ty VETC thực hiện các thủ tục trước khi tiến hành xây dựng trạm thu phí tự động. Tuy nhiên, thời điểm nào sẽ xây dựng và hoàn thành thì chưa biết.
Các trạm trên 5 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành). Những trạm này có nhiều vướng mắc, khó hoàn thành tiến độ ETC theo yêu cầu. Được biết, do chuyển sang đơn vị chủ quan mới là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên VEC khó khăn trong việc thu xếp vốn thực hiện ETC.