Triển khai thực hiện chủ trương về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
Công an TP Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của cơ quan cấp trên, Kế hoạch số 353 của CATP Hà Nội xác định mục đích, yêu cầu: Cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, giúp người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để tạo việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.
Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất, hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; Kế hoạch số 488/KH-BCA-C11 và Công văn số 3336/BCA-C11, ngày 20/9/2023 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thường xuyên của lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp trong Công an Thành phố.
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Cơ quan THAHS các cấp; sự phối hợp thường xuyên, liên tục, chặt chẽ hiệu quả giữa Cơ quan THAHS Công an các cấp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện có lộ trình cụ thể bảo đảm được triển khai thi hành đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
Trên tinh thần đó, Kế hoạch số 353 của CATP xác định nhiều nội dung trọng tâm. Như tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg; Phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản phối hợp giữa CATP và NHCSXH TP Hà Nội về triển khai thực hiện tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù; Tổ chức quán triệt, tập huấn nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ/TTg và các biện pháp nghiệp vụ có liên quan; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quyết định số 22/2023/QĐ/TTg bằng hình thức đăng tải trên các phương tiện truyền thông của CAND và các hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ NHCSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Nội dung Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù cụ thể:
Đối tượng vay vốn gồm:
Người chấp hành xong án phạt tù được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá.
Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Điều kiện vay vốn
Quyết định nêu rõ người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn, có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm.
Điều kiện vay vốn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu trên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được UBND cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.
Quyết định nêu rõ người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại NHCSXH đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật mới đủ điều kiện để vay vốn.
Phương thức cho vay
Thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với NHCSXH.
Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại NHCSXH. NHCSXH cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trực tiếp.
Mục đích sử dụng vốn vay
Đối với vay vốn để đào tạo nghề: Chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại.
Đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm: Chi phí để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Mức vốn cho vay
Quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù.
Với cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Quyết định nêu rõ lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, việc quy định các nguồn vốn để bố trí cho vay theo Quyết định số 22 thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua NHCSXH. NHCSXH hiện có mạng lưới rộng khắp trong toàn quốc với 63 chi nhánh tại các tỉnh, TP, 628 Phòng giao dịch cấp huyện, hệ thống 10.449 Điểm giao dịch xã xuống tận các xã/phường/thị trấn và màng lưới 168.464 tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận thôn, ấp.
"Cả hệ thống chính trị và NHCSXH đã, đang và luôn chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các điều kiện về nguồn lực, nhân lực, vật lực để triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi nói chung và chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện ‘phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã’" - ông Dương Quyết Thắng khẳng định.