Triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền 'Văn hóa Hòa Bình'

Ngày 11/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền 'Văn hóa Hòa Bình' giai đoạn 2023-2030.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long chủ trì hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên; thông qua quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên. Đề xuất thành lập tổ tư vấn, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.

Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Đề án bảo tồn, đến nay đã có 10 huyện, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện: Chuẩn bị đầu tư xây dựng khu Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc. Bảo tàng tỉnh đã phục chế được 9/74 trống đồng có giá trị tại Bảo tàng tỉnh để bảo quản và phục vụ trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình. Phối hợp Viện Âm nhạc hoàn thiện bộ Hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp…

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh, việc triển khai Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 dựa trên 3 quan điểm.

Thứ nhất là coi trọng, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, dưới sự quản lý của chính quyền, nhân dân là chủ thể thực hiện.

Thứ hai là phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường phải gắn với xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, phát huy những giá trị tốt đẹp, đặc sắc, gắn với xây dựng văn hóa Mường, con người Mường, giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ.

Thứ ba là coi giá trị văn hóa dân tộc là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế do đó phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường phù hợp với thời đại, với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện Đề án phải có ít nhất 4 huyện Mường là Bi, Vang, Thàng, Động (từ các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và Kim Bôi) thành lập ban chỉ đạo. Khẳng định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ lâu dài.

Các thành viên Ban chỉ đạo các cấp, các ngành, huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Việc thành lập Tổ tư vấn lựa chọn các thành viên có chuyên môn sâu, kinh nghiệm ở cả Trung ương và địa phương, nghệ nhân, người có uy tín. Tổ giúp việc nắm vững chuyên môn trong công tác tham mưu thực hiện Đề án. Có cơ chế, chính sách phù hợp đầu tư triển khai thực hiện Đề án.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trien-khai-thuc-hien-de-an-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-muong-va-nen-van-hoa-hoa-binh-post813796.html