Triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đến nay đã ghi nhận 735 trường hợp mắc tại 10/13 huyện, thành, thị; một số ổ dịch trong cộng đồng mới phát hiện có tính chất phức tạp, khó lường. Trước tình hình trên, thực hiện Thông báo kết luận số 430-TB/TU, ngày 29/10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; Công điện số 1700/CĐ-BYT của Bộ Y tế về tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, thành khẩn trương triển khai một số nội dung sau:
Đối với quy mô toàn tỉnh: Các hoạt động hội họp, hội thảo, tập huấn,… trong nhà không quá 30 người trong cùng một phòng kín. Các hoạt động ngoài trời không tổ chức quá 50 người trong cùng một địa điểm và giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Tạm dừng hoạt động đối với một số dịch vụ có nguy cơ cao lây nhiễm như vũ trường, quán bar, karaoke, mát-xa, cơ sở cung cấp dịch vụ internet, trò chơi điện tử, spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ bi-a,… Đối với dịch vụ nhà hàng, quán ăn, uống: chỉ sử dụng tối đa 50% công suất, không tổ chức kinh doanh từ 21 giờ 30’ đến 05 giờ 00’ sáng; tại các khu vực dịch cấp độ 3, cấp độ 4 chỉ phục vụ bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác được phép thực hiện song phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19; yêu cầu phải đăng ký điểm khai báo y tế bằng mã QR-Code tại các đơn vị, đồng thời bắt buộc toàn bộ người đến cơ quan, đơn vị phải thực hiện khai báo y tế thông qua quét mã QR-code bằng phần mềm (PC-COVID) để thuận lợi cho việc truy vết.
Hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh: theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải và hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải tỉnh. Hoạt động giáo dục, đào tạo: Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành, thị căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh để chỉ đạo tổ chức việc dạy, học tại các cấp học cho phù hợp.
Đối với các khu vực có nguy cơ cao: Tiếp tục triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Hoạt động tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể: giảm 30-50% số người làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin làm việc trực tuyến từ xa (trừ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; các cơ quan, đơn vị có trên 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19).
Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được phép tổ chức với quy mô tối đa 20 người/phòng kín hoặc không quá 30 người/địa điểm ngoài trời và giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch: được phép hoạt động song phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19. Căn cứ diễn biến, tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh, các quy định về phòng chống dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp.
Đối với quy mô cấp xã (điều kiện để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp cho từng địa phương, cơ sở) căn cứ diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND cấp huyện thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ ở quy mô cấp xã để chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp, song không thấp hơn các quy định chung trong toàn tỉnh.
Đối với các xã/phường/thị trấn hoặc khu vực được đánh giá mức độ nguy cơ ở Cấp độ 4: Khoanh vùng quy mô toàn xã/ phường/ thị trấn để tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng theo hướng dẫn của ngành y tế. Sau khi đánh giá nguy cơ, UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tế để thu hẹp vùng phong tỏa ở các quy mô nhỏ hơn (khu hành chính, cụm dân cư, tổ dân phố,…) cho phù hợp. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến/về từ vùng dịch trong và ngoài tỉnh.
Kiểm soát chặt chẽ, áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến/về từ vùng dịch trong và ngoài tỉnh: Đối với người đến/ trở về từ các vùng có dịch: phải thực hiện khai báo y tế tại một trong các địa điểm UBND xã, Trạm y tế, khu dân cư, Tổ COVID-19 cộng đồng để được hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Đối với người đến/ trở về từ các vùng dưới đây: Trước mắt, áp dụng đối với tất cả các xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, Sóc Trang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Gia Lai, Quảng Nam, Hà Giang, Nam Định; Các xã có nguy cơ dịch được xác định ở Cấp độ 4 và các vùng phong tỏa thuộc tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc (được cập nhật tại website của Bộ Y tế, địa chỉ truy cập: https://moh.gov.vn/web/guest/tong-hop-danh-gia-capdo-dich-tai-dia-phuong). Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại cơ sở y tế có chức năng và tự chi trả phí xét nghiệm.
Về cách ly y tế và xét nghiệm sàng lọc tiếp theo: Người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19: phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, trong đó lần thứ 2 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR; cá nhân tự chi trả phí xét nghiệm. Người chưa tiêm đủ liều vắc xin: phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 07 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, trong đó lần thứ 2 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR; cá nhân tự chi trả phí xét nghiệm. Người chưa tiêm vắc xin: phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Lấy mẫu xét nghiệm 3 lần, trong đó lần thứ 3 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR; cá nhân tự chi trả phí xét nghiệm. Trường hợp không đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 để cách ly tại nhà, nơi lưu trú thì phải cách ly tập trung cấp huyện hoặc cách ly tại khách sạn có thu phí. Trường hợp là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 16 tuổi thuộc diện cách ly: phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế (nếu cần thiết) và có người chăm sóc cách ly cùng theo quy định.
Đối với người đến/ về từ các xã trong và ngoài tỉnh có nguy cơ dịch được xác định ở Cấp độ 3: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến/về địa phương bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại cơ sở y tế có chức năng; tự chi trả phí xét nghiệm. Không áp dụng cách ly y tế; tự thực hiện theo dõi sức khỏe và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các quy định hiện hành.
Đối với người đến/ về từ các xã trong và ngoài tỉnh có nguy cơ dịch được xác định ở Cấp độ 1 và Cấp độ 2: Tự thực hiện theo dõi sức khỏe và các biện pháp phòng, chống dịch COVD-19 theo quy định hiện hành.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch trong các khu vực phong tỏa, các F0 theo dõi và điều trị tại nhà, các trường hợp F1 và F2 áp dụng cách ly tại nhà: Chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện cách ly y tế đối với các khu vực phong tỏa, tuyệt đối không được để tình trạng chặt ngoài, lỏng trong; thường xuyên, liên tục tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về yêu cầu trong khu vực cách ly (nhà cách ly với nhà, xóm cách ly với xóm,…), tại các hộ gia đình có F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà,… để người dân hiểu, nắm chắc và đồng thuận thực hiện, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu vực cách ly và tuyệt đối không để dịch bệnh lan ra ngoài cộng đồng do chủ quan. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định.
Đối với việc tổ chức xét nghiệm: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn vật tư, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm dự trữ của tỉnh để tổ chức xét nghiệm đối với các đối tượng F1, F2 đang quản lý, theo dõi và các khu vực phong tỏa, cách ly y tế; định kỳ sàng lọc ngẫu nhiên tại cộng đồng ở các khu vực trọng điểm (địa điểm đông dân cư, mật độ giao thông đông, nhiều dịch vụ thiết yếu,…), tập trung nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Sở Y tế triển khai rộng rãi hướng dẫn về việc tự thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Cho phép các cơ sở kinh doanh dược (nhà thuốc, quầy thuốc) mua bán, cung ứng Kít test xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong danh mục quy định của Bộ Y tế; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, người dân hiểu, tự thực hiện để chủ động phòng dịch hoặc khi có triệu chứng.
Đối với công tác điều trị bệnh nhân: Sở Y tế chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến các ca bệnh COVID19 để xử lý điều trị kịp thời tại các tầng điều trị; chủ động phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế để được phân bổ sớm, đủ số lượng thuốc điều trị cho người bệnh; triển khai thực hiện hiệu quả công tác điều phối, đảm bảo Ô xy y tế, nhất là việc đảm bảo Ô xy y tế tại các Trạm y tế lưu động, các ca bệnh cách ly, điều trị tại nhà.
UBND các huyện, thành, thị bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình chủ động thiết lập, kích hoạt Bệnh viện dã chiến cấp huyện để thu dung, điều trị các bệnh nhân theo phân tầng điều trị do Sở Y tế hướng dẫn; sàng lọc, phân loại, tổ chức cho cách ly, điều trị tại nhà đối với các trường hợp F0 bảo đảm đủ điều kiện.
Thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại Văn bản này được thực hiện từ 13 giờ 30’ngày 03/11/2021.
Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở: Thường xuyên đánh giá tình hình dịch trên địa bàn để kịp thời ban hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp. Chủ động các biện pháp đáp ứng về giãn cách xã hội, xét nghiệm, cách ly, phong tỏa theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú theo đúng qui định đối với các trường hợp người đến/về địa bàn.
Sở Y tế - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, chủ động đánh giá, nhận định, dự báo và tham mưu các giải pháp đáp ứng kịp thời. Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch và các cơ quan Trung ương để đề xuất, điều chỉnh bổ sung kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn cho phù hợp.
Sở Giao thông Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo: căn cứ hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo để chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường chỉ đạo đến các tổ chức thành viên, hội viên và tuyên truyền đến mọi người dân để nâng cao ý thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; nhất là việc triển khai thực hiện xã hội hóa, khuyến khích cơ quan, doanh nghiệp, người dân chủ động tự thực hiện xét nghiệm sàng lọc, kịp thời thông báo cho cơ quan y tế để xử lý theo qui định khi có kết quả nghi ngờ dương tính.