Triển khai vaccine R21 phòng sốt rét tại châu Phi
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Côte d'Ivoire sẽ trở thành quốc gia đầu tiên triển khai vaccine R21 ngừa sốt rét do Viện Huyết thanh Ấn Độ và Đại học Oxford phát triển.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15/7, các nhà phát triển và đối tác cho biết những liều vaccine R21 đầu tiên đã được tiêm cho trẻ em ở Abidjan, thủ đô thương mại của Côte d'Ivoire. Trong tổng số 656.600 liều vaccine đã được nhận, bước đầu Côte d'Ivoire sẽ tiêm chủng cho 250.000 trẻ em từ sơ sinh đến 23 tháng tuổi trên 16 vùng của quốc gia Tây Phi này.
Vaccine R21 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị vào năm 2023 để sử dụng ở châu Phi cho trẻ em dưới 5 tuổi, nhóm tuổi chịu tác động nặng nề của căn bệnh vốn làm hơn 600.000 người tử vong mỗi năm tại châu lục. Đây là loại vaccine phòng sốt rét thứ hai được đưa vào sử dụng. Hiện Ghana, Nigeria, Burkina Faso và CH Trung Phi đã cấp phép sử dụng vaccine này.
Để chuẩn bị cho việc triển khai vaccine R21, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã sản xuất 25 triệu liều và cam kết tăng quy mô lên 100 triệu liều mỗi năm. Vaccine sử dụng chất bổ trợ do Novavax Inc. phát triển nhằm giúp nâng cao phản ứng miễn dịch đối với bệnh sốt rét và đặc biệt nhắm vào một loại ký sinh trùng phổ biến ở châu Phi. Để duy trì mục tiêu cung cấp vaccine trên quy mô lớn và chi phí thấp, Viện Huyết thanh Ấn Độ đang cung cấp vaccine với mức giá dưới 4 USD mỗi mũi tiêm. Trẻ từ 5 đến 36 tháng tuổi sẽ được tiêm ba liều và liều tăng cường một năm sau đó. Hiệu quả của vaccine đã được chứng minh trong thử nghiệm lâm sàng lên tới 80% một năm sau khi tiêm liều thứ tư.
Các mũi tiêm chủ yếu sẽ được phân phối với sự trợ giúp của các tổ chức y tế quốc tế như Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Tiến sĩ Sania Nishtar, Giám đốc điều hành GAVI, hy vọng với 2 loại vaccine an toàn và hiệu quả hiện có cùng với các biện pháp can thiệp khác, châu Phi có thể chống lại căn bệnh chết người này.
Sốt rét là một trong những căn bệnh bị lãng quên trên thế giới, với 95% số ca mắc và 96% số ca tử vong xảy ra ở châu Phi, trong đó phần lớn là ở các nước nghèo nhất của lục địa này.