Triển khai xây dựng 2 cầu vượt sông Đuống trên hành lang đường thủy số 1

Sẽ có thêm một cầu dành riêng cho đường sắt ở phía thượng lưu và một cầu dành riêng cho đường bộ ở phía hạ lưu để thay thế cầu Đuống hiện hữu.

Các đại biểu thực hiện nghi thức triển khai Dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống.

Các đại biểu thực hiện nghi thức triển khai Dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống.

Sáng nay (22/7), tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ triển khai thi công Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống).

Dự án đa mục tiêu

“Mặc dù có quy mô vốn không lớn nhưng 2 công trình cầu vượt sông Đuống khi hoàn thành sẽ không chỉ nâng cao năng lực khai thác của hành lang đường thủy số 1 mà còn cải thiện điều kiện kết nối qua sông Đuống, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định tại Lễ triển khai thi công Dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống vừa được tổ chức vào sáng nay (22/7).

Theo ông Nguyễn Danh Huy, đến thời điểm này, cả 5/5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không do Bộ GTVT xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cách thức tổ chức lập các quy hoạch lần này có sự khác biệt lớn từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên 5 quy hoạch chuyên ngành được thực hiện đồng thời nên đã có sự phân công, phân định rõ ràng vai trò của từng phương thức vận tải, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các các chuyên ngành và đã giải quyết được các bất cập về quy hoạch mà các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương đề cập, phản ánh, trong đó có việc kết nối giữa các phương thức vận tải.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, quy hoạch lần này xác định vận tải thủy nội địa là phương thức trung gian kết nối với phương thức đường bộ, đường sắt, hàng hải; trong đó phát huy tối đa lợi thế của vận tải ven bờ ở cự ly trung bình trên cơ sở khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, kết hợp với đầu tư nâng cấp góp phần giảm chi phí logicstics, nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế.

Với mục tiêu nêu trên, quy hoạch đã định hướng ưu tiên thực hiện đầu tư nâng cấp luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu trên các tuyến vận tải chính yếu đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ, trong đó ưu tiên các tỉnh khu vực phía Bắc.

“Hiện nay khu vực phía Bắc có 3 hành lang vận tải thủy nội địa chính, trong đó hành lang số 1 qua sông Đuống từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến cảng Việt Trì đã được đầu tư nâng cấp, luồng tàu đạt cấp II, các cầu vượt sông cơ bản đã được đầu tư bảo đảm tĩnh không đường thủy nội địa. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất trên hành lang này là cầu Đuống do tĩnh không thông thuyền thấp, gây tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải, trong khi phương thức vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải rẻ và an toàn nhất. Đây là lý do khiến việc triển khai Dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống được Chính phủ, Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn đầu tư”, ông Nguyễn Danh Huy thông tin.

Ông Huy cho biết là Bộ GTVT đã phối hợp với các cơ quan của TP. Hà Nội để tổ chức thi tuyển kiến trúc cho 2 cầu Đuống mới, đảm bảo tính mỹ quan.

Được biết, Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống khi hoàn thành sẽ từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy; đảm bảo đường sắt lưu thông thông suốt, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận hành, khai thác; tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc TP. Hà Nội, đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc.

Bên cạnh đó, công trình còn góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, phân bổ luồng giao thông hợp lý giữa phía Bắc và Nam sông Đuống, thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô theo định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Phối cảnh cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông Đuống.

Phối cảnh cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông Đuống.

Thêm 2 cầu vượt sông Đuống

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống do Ban quản lý dự án Đường sắt làm chủ đầu tư, được triển khai trên địa bàn các phường Thượng Thanh, Đức Giang quận Long Biên và thị trấn Yên Viên huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, gồm 2 hạng mục chính.

Cụ thể, hạng mục cầu đường sắt và đường dẫn có điểm đầu khoảng Km9+075, điểm cuối khoảng Km10+075 (lý trình đường sắt hiện hữu); tổng chiều dài 1.000m; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5 m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.

Trong đó, cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế 80km/h khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền với chiều cao 7 m, giai đoạn hoàn thiện cao 9,5m; bề rộng khoang thông thuyền lớn hơn 50m. Cầu có bố trí đường người đi bộ 01 bên phải tuyến (phía hạ lưu cầu).

Cầu đường bộ và đường dẫn:có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa phận quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa phận huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 700m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100m về phía hạ lưu (phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt).

Trong đó, cầu đường bộ vượt sông Đuống dài 382m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp hệ dây văng; phân kỳ xây dựng 1 đơn nguyên theo quy hoạch, bề rộng cầu dẫn 16 m, bề rộng cầu chính 18,5m (bao gồm phần neo); khổ giới hạn thông thuyền có chiều rộng lớn hơn 50m, chiều cao 9,5m.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 919.279 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (theo quy mô giai đoạn phân kỳ) là 650,82 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 9,753 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là 43,081 tỷ đồng; chi phí khác là 30,289 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 195.394 triệu đồng.

Nguồn vốn thực hiện Dự án là Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mức vốn dự kiến khoảng 1.787 tỷ đồng, phần còn lại chuyển tiếp sang giai đoạn sau. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

Dự án được chia làm 2 gói thầu, gồm: Gói thầu cầu đường sắt Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (XL-CĐ-01); Gói thầu cầu đường bộ Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (XL-CĐ-02).

Theo ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt, sau thời gian khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tiến hành ký hợp đồng xây lắp Gói thầu XL-CĐ-02 vào ngày 27/6/2023.

Theo đó, nhà thầu thi công Gói thầu XL-CĐ-02 là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương – Công ty cổ phần cầu 14 – Công ty TNHH thiết bị xây dựng Nam Anh. Gói thầu XL-CĐ-01 dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết Hợp đồng trong quý III/2023.

“Với vai trò chủ đầu tư, chúng tôi sẽ chỉ đạo tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và đảm bảo tuyệt đối an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa”, ông Phương cam kết.

Cầu Đuống hiện hữu được xây dựng từ năm 2002, khổ cầu hẹp, chiều cao khổ thông thuyền thấp, chỉ đáp ứng cho tàu, sà lan trọng tải 600 tấn lưu thông, trở thành nút cổ chai cho cả giao thông đường thủy và đường bộ.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trien-khai-xay-dung-2-cau-vuot-song-duong-tren-hanh-lang-duong-thuy-so-1-d194623.html