Triển khai xây dựng chuyên đề đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội

Chiều 1-9, tại Nhà Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban số 2 Xây dựng chuyên đề 'Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam' (Chuyên đề số 11).

Tiểu ban số 2 có 20 thành viên. Trưởng Tiểu ban là Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. 3 Phó trưởng Tiểu ban là Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Phó trưởng Tiểu ban Thường trực); Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

 Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo Kế hoạch số 02-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đảng đoàn Quốc hội được giao thực hiện 4 chuyên đề.

Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về việc thành lập Ban chỉ đạo và 3 Tiểu ban để thực hiện. Tiểu ban số 2 được giao thực hiện Chuyên đề số 11. Chuyên đề số 11 được xây dựng nhằm đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH và bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội; làm cơ sở để Ban chỉ đạo Trung ương nghiên cứu đưa vào Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu, việc xây dựng Chuyên đề số 11 phải bảo đảm ngắn gọn nhưng đủ ý, lý lẽ thuyết phục, giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn; chắt lọc những vấn đề cần đổi mới theo hướng bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các thành viên Tiểu ban số 2 cần nghiên cứu kỹ các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây tại các hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và bài viết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

“Do yêu cầu chung về tiến độ thời gian, chúng ta phải xác định nội dung công việc triển khai, thời điểm hoàn thành của từng tuần, từng tháng và nhất định phải bảo đảm đúng thời gian theo kế hoạch chung là sẽ trình Đảng đoàn vào khoảng trung tuần tháng 12-2021”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban nghe công bố quyết định của Ban chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội về việc thành lập Tiểu ban số 2; thảo luận về dự thảo Đề cương Chuyên đề số 11; Quy chế làm việc của Tiểu ban; phân công nhiệm vụ với Trưởng Tiểu ban, các Phó trưởng Tiểu ban; phân công thành viên Tiểu ban, tổ biên tập về xây dựng các Tiểu chuyên đề; Kế hoạch xây dựng Chuyên đề số 11; quyết định thành lập tổ biên tập Chuyên đề số 11.

Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, đây là đề án có phạm vi nghiên cứu rất rộng. Khối lượng công việc cần triển khai để xây dựng đề án rất đồ sộ, phức tạp, yêu cầu cao. Cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa tổ chức và cá nhân, bên trong và bên ngoài, bên trên và bên dưới; mối quan hệ giữa chủ thể và công việc; mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Đồng thời phải quán triệt phương châm "ba không" khi triển khai xây dựng đề án: Không sa vào lý luận; không đánh giá cụ thể mà đánh giá khái quát; không lãng phí công sức.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/trien-khai-xay-dung-chuyen-de-doi-moi-to-chuc-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-quoc-hoi-670139