Triển khai xây dựng Luật Thừa phát lại là rất cần thiết

Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, qua hơn 8 năm được Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết 107/NQ-QH13 cho chính thức thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt qua 3 năm thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/01/2020 hoạt động của Thừa phát lại vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình. Ảnh Khánh Huy

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình. Ảnh Khánh Huy

Thứ nhất, các văn bản pháp luật về Thừa phát lại chậm được ban hành và có nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế. Nghị quyết 107/2015/QH13 của Quốc hội có hiệu lực thực hiện từ 01/01/2016, nhưng đến 08/01/2020 mới có Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại là quá chậm trễ. Tuy vậy vẫn có quá nhiều quy định chưa phù hợp, như:

Cho phép lập vi bằng trên phạm vi toàn quốc nhưng không quy định rõ ràng cách thức thực hiện trong khi cấm lập các điểm giao dịch ngoài trụ sở, và theo đó Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định xử phạt 15 đến 20 triệu đồng với hành vi “mở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở văn phòng thừa phát lại. Trong khi quy định Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng... là nhằm hạn chế việc ngụy tạo chứng cứ. Sở Tư pháp sẽ chấn chỉnh việc lập vi bằng trên cơ sở dữ liệu về vi bằng thông qua công tác thanh tra và kiểm tra. Trong trường hợp này thì những vi bằng lập ngoài địa bàn cấp tỉnh sẽ có nhiều khó khăn.

Nghị định quy định cứng mức trần giá dịch vụ tống đạt văn bản cho TAND, VKSND, cơ quan THADS, trong khi giá cả thị trường, tiền lương lao động… biến động hàng ngày, chưa nói giá trần đó đã rất bất hợp lý.

Hoặc giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự theo yêu cầu của đương sự cho Thừa phát lại, nhưng lại cấm Thừa phát lại áp dụng các biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án (Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP quy định khi tổ chức thi hành án dân sự Thừa phát lại có nhiệm vụ và quyền hạn như Chấp hành viên mà cũng còn đang khó).

Quy định về cách sửa lỗi kỹ thuật hoặc Thừa phát lại phải ký từng trang của vi bằng cũng là những quy định thiếu thực tế, gây không ít khó khăn cho Thừa phát lại thi thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt có những vi bằng ghi nhận nội dung trên Website có thể đến hơn 500 trang, lập 04 bản chính thì Thừa phát lại phải ký hơn 2000 trang, trong khi đã quy định việc đóng dấu giáp lai các trang.

Thừa phát lại với tư cách là tổ chức hỗ trợ tư pháp, được xây dựng trên nguyên tắc hoạt động linh hoạt, nhanh nhạy, là công lại nhưng không phải là công chức, làm việc không theo giờ hành chính mà theo yêu cầu của dân, đặc biệt là những yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng về các sự việc thực tế thì đây là cơ chế duy nhất và hữu hiệu phục vụ cho việc công dân có thể tạo lập ra các chứng cứ để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình, ngăn chặn trước các hành vi xâm phạm các quyền lợi đó.

Vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản, ghi nhận (các chứng thư) những sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Theo đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan, chứ không ghi nhận những hành vi, sự kiện mà mình không được trực tiếp chứng kiến, hoặc những sự kiện, hành vi chỉ thông qua lời kể của người khác.

Còn công chứng là việc công chứng viên thay mặt Nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực, hợp pháp của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại Văn phòng công chứng.

Về tính chất, phạm vi, hình thức của vi bằng và công chứng đã rất rõ ràng, khác nhau, đúng như Công văn số 1128/BTP-TCTHADS ngày 18/4/2014 của Bộ Tư pháp đã khẳng định: Về nguyên tắc, việc lập vi bằng của Thừa phát lại khác với việc công chứng, chứng thực. Vi bằng chỉ ghi nhận sự kiện, hành vi mà không chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch (như đối với công chứng) hay chứng thực bản sao, chữ ký (như đối với chứng thực); Thừa phát lại không thể làm thay việc công chứng, chứng thực của tổ chức hành nghề công chứng và của UBND.

Cho nên, trong thời gian thí điểm, nhằm hạn chế bớt phạm vi để tránh những sai sót trong việc lập vi bằng của Thừa phát lại, Nghị định của Chính phủ có quy định: Thừa phát lại không lập vi bằng các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp… Nay việc thí điểm đã chấm dứt, theo ông Nguyễn Văn Lạng, không nên quy định như vậy nữa, dễ gây nhiều cách hiểu khác nhau. Văn bản pháp luật về Thừa phát lại chỉ cần quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của Thừa phát lại trong lĩnh vực lập vi bằng, giống như quy định thẩm quyền của công chứng trong Luật Công chứng.

Thứ hai, tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định: Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết các vụ việc Dân sự và Hành chính theo quy định của Pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Lạng cho biết, trên thực tế rất nhiều vụ việc hình sự, đương sự yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng để làm chứng cứ, như vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng mà Tòa án đang giải quyết; Hay những vụ việc liên quan nói xấu nhau trên mạng xã hội, Thừa phát lại đã lập vi bằng ghi nhận nội dung trên Internet, trên thiết bị điện tử … đều được Tòa án sử dụng làm chứng cứ.

Vậy quy định chỉ những vụ việc Dân sự, Hành chính khi Tòa án giải quyết vi bằng mới được xem là nguồn chứng cứ liệu có bỏ sót không. Trong khi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP) đã quy định: Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án.

Thứ ba, Chế định Thừa phát lại đụng chạm đến nhiều lĩnh vực: Đất đai, Môi trường, Kinh doanh thương mại, Doanh nghiệp, Tổ chức tín dụng … mà các lĩnh vực này đều đã được điều chỉnh bằng Luật, trong khi tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại mới được điều chỉnh bằng Nghị Định nên không tránh khỏi có nhiều xung đột pháp luật trong quá trình thực hiện.

Nghị quyết 107/2015/QH13 của Quốc hội ngày 26/11/2015 đã quy định: Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai thi hành Nghị quyết này và chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.

Để tạo điều kiện cho hoạt động có hiệu quả của Thừa phát lại, việc triển khai xây dựng Luật Thừa phát lại vào thời điểm này là rất cần thiết”, ông Nguyễn Văn Lạng nhấn mạnh.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trien-khai-xay-dung-luat-thua-phat-lai-la-rat-can-thiet-345922.html