Triển lãm ảnh về nghệ thuật múa Thiên Cẩu ở Hội An
Triển lãm ảnh 'Nghệ thuật múa Thiên Cẩu ở Hội An' trưng bày 18 bức ảnh tái hiện những giá trị đặc trưng nhất trong nghệ thuật biểu diễn, nghi lễ tín ngưỡng của múa Thiên Cẩu.
Trong hai ngày 27 và 28/9, tại Bảo tàng Văn hóa Dân gian (62 Bạch Đằng, Hội An), Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức triển lãm bộ ảnh “Nghệ thuật múa Thiên Cẩu ở Hội An”.
Triển lãm lần này trưng bày bộ ảnh gồm 18 bức ảnh nghệ thuật, tái hiện những giá trị đặc trưng nhất trong nghệ thuật biểu diễn, nghi lễ tín ngưỡng của múa Thiên Cẩu.
Bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Quảng Hải, Phó Chủ tịch Hội nhiếp ảnh nghệ thuật TP Đà Nẵng thực hiện nhằm chào mừng sự kiện TP Hội An đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An.
Được biết, bộ ảnh này được nhiếp ảnh gia Quảng Hải thực hiện trong thời gian gần một năm tại 9 di tích lịch sử ở phố cổ Hội An như Hội quán Quảng Triệu, Ngũ Bang, Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu, Minh Hương Tụy Tiên Đường, Chùa Ông, Chùa Bà Mụ, Miếu Khổng Tử và cơ sở sản xuất Thiên Cẩu-Lân- Sư-Rồng của nghệ nhân Nguyễn Hưng (Trảng Suối, Cẩm Hà, Hội An).
18 bức ảnh tại triển lãm thể hiện đầy đủ các động tác nghệ thuật và các khía cạnh nghi lễ của múa Thiên Cẩu; giới thiệu những khác biệt giữa múa Thiên Cẩu và múa Lân - Sư - Rồng.
Qua những bức ảnh này, tác giả gửi gắm thông điệp về giá trị văn hóa đặc sắc cũng như mong muốn bảo tồn và phát triển để nghệ thuật múa Thiên Cẩu tiếp tục là một loại hình trình diễn dân gian riêng có, duy nhất và có sức sống mạnh mẽ hơn, trong đời sống lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An.
Để tăng độ tương tác và tính trải nghiệm, Ban Tổ chức triển lãm đã ứng dụng công nghệ QR vào quá trình trưng bày. Bằng cách quét mã QR người xem sẽ được khám phá thêm những câu chuyện thích thú về văn hóa và lịch sử xuyên suốt của những bức ảnh.
Múa Thiên Cẩu đã có từ lâu đời và phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XX ở Hội An. Đây là hoạt động không thể thiếu trong các nghi thức trừ tà, cầu lộc và góp phần tạo không khí rộn ràng, náo nhiệt ở phố cổ vào những đêm hội Tết Trung thu, các dịp lễ hội trong năm, hay dịp khai trương hàng quán, cửa tiệm, khánh thành công trình.
Múa Thiên Cẩu lấy hình tượng “Chó nhà trời”, lấy “uy linh thiên binh”, trừ tà khí, yêu ma, trừ hỏa hoạn. Theo truyền thuyết dân gian, linh vật này còn nhả ra mặt trăng báo hiệu một mùa vụ tốt tươi, cuộc sống an lành, có hàm ý cầu tài lộc. Nghệ thuật trang trí, biểu diễn của múa Thiên cẩu, do vậy, cũng đồng hành, hợp theo nhiều nghi thức, ý nghĩa liên quan.
Về hình dáng, Thiên Cẩu có chiếc đầu to được tạo từ mây, tre, giấy, tô phết nhiều màu rực rỡ theo 5 màu cơ bản trong ngũ hành, sắc đỏ là chủ đạo. Các bộ phận của đầu Thiên Cẩu đều to, có ngấn, gân (phần ót Thiên Cẩu bao giờ cũng có 2 cục u hình nón), trông vẻ hung dữ (khác với đầu Lân, mềm mại hiền hòa hơn). Nhưng có như vậy, Thiên Cẩu mới trấn áp được ma quỷ, đuổi tà khí. Đuôi của Thiên Cẩu lại khá dài (được may từ vải đỏ), có bờm, kết nhiều màu sặc sỡ.
Người múa Thiên Cẩu di chuyển theo thế bộ tấn, chữ Đinh, mỗi bước đều vững chắc (khác với múa Lân, bước đi linh hoạt, uyển chuyển). Nếu với múa Lân, chỉ cần 2 người múa, 1 người phụ trách phần đầu (múa chính, đầu Lân có kích thước vừa phải), cùng 1 người múa đuôi; thì với múa Thiên Cẩu, phần đuôi cần có 2 đến 4 người, động tác như múa đuôi Rồng.
Nhịp trống trong múa Thiên Cẩu chậm, trầm hùng thể hiện uy nghiêm của linh vật, hợp với các động tác gắn với tín ngưỡng dân gian như liếm cổng trừ tà; đăng thiên phun lửa, đớp trẻ trừ phong, vái lạy…
Múa Thiên Cẩu để lại dấu ấn văn hóa sâu sắc trong lòng nhiều người dân phố Hội nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Trải qua thời gian, do nhiều tác động, rồi hoàn cảnh, môi trường xã hội, múa Thiên Cẩu đi vào trầm lắng.
Từ sau năm 1975 đến đến đầu những năm 2000, múa Thiên Cẩu bị mai một, thậm chí tên gọi múa Thiên Cẩu bị nhầm lẫn với múa Lân.
Từ năm 2003 đến nay, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ đã chung tay khôi phục hoạt động múa Thiên Cẩu ở nhiều góc độ từ nghiên cứu, chế tác, trưng bày, biểu diễn, nhiếp ảnh…