Triển lãm chuyên đề 'Thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng'

Ngày 20/7, tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sỹ Thanh niên xung phong Đại đội 915 đã phối hợp tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề 'Thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng'.

Ngày 20/7, tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sỹ Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, thành phố Thái Nguyên, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề “Thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng.”

Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2020).

Triển lãm trưng bày trên 130 hình ảnh, tư liệu, hiện vật và tài liệu khoa học phụ, ấn phẩm… về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nội dung triển lãm chia làm 6 phần gồm: Đồng chí Tôn Đức Thắng - Tuổi trẻ với nhiệt huyết cách mạng; Đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc; Đồng chí Tôn Đức Thắng cùng Đảng, Nhà nước lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xây dựng và thống nhất đất nước; Những cống hiến to lớn của đồng chí Tôn Đức Thắng trên cương vị Chủ tịch nước; Chủ tịch Tôn Đức Thắng sống mãi trong lòng dân; và một số tư liệu, hình ảnh Bác Tôn với ATK Thái Nguyên.

Triển lãm là dịp để ôn lại, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn, tiếp tục học tập, rèn luyện theo tấm gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đặc biệt, thông qua các hình ảnh, tư liệu về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, bồi dưỡng lòng tự hào niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước vào công cuộc đổi mới xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước.

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại cù lao ông Hổ, thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Lớn lên trong bối cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm, người thanh niên Tôn Đức Thắng đã sớm giác ngộ và rời gia đình, làng quê để tham gia hoạt động cách mạng, lựa chọn con đường làm thợ tại xưởng đóng tàu Ba Son, tập hợp các hạt nhân nòng cốt, lãnh đạo và tổ chức bãi công của học sinh, công nhân…, qua đó thổi luồng sinh khí mới về chính trị vào đội ngũ thợ thuyền, gắn tư tưởng yêu nước với phong trào công nhân, tạo chuyển biến từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác.

Hơn 70 năm cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Bác Tôn được Đảng và nhân dân tín nhiệm, giao phó nhiều trọng trách quan trọng như Tổng thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội và trọng trách cao nhất là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là Chủ tịch đầu tiên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trien-lam-chuyen-de-than-the-va-su-nghiep-chu-tich-ton-duc-thang/652606.vnp