Triển lãm 'Con đường Thống nhất' tại Hoàng thành Thăng Long

'Cái giá của độc lập, tự do không chỉ nằm trong sách giáo khoa mà còn nằm trong từng ngôi mộ chưa có tên, trong những lá thư còn dở dang, trong những người mẹ mãi chờ con về mà tóc bạc trắng tự bao giờ…', Đại tá Khuất Duy Hoan chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm 'Con đường thống nhất', diễn ra sáng 28.4 tại di tích Cách mạng Nhà và Hầm D67, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Triển lãm được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Là trái tim của Tổng hành dinh trong những năm tháng đấu tranh ác liệt, Nhà và Hầm D67 là di tích cách mạng quan trọng trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Di tích gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Nơi đây, từ tháng 9.1968- 30.4.1975, bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam(từ 1976 là Đảng Cộng sản Việt Nam), Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh QĐND đã tập trung trí tuệ, đề ra các chủ trương, chính sách, chiến lược đúng đắn, sáng tạo, đưa nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội Nguyễn Thanh Quang khẳng định, hành trình đi tới mùa Xuân đại thắng là kết tinh của biết bao gian khổ, hi sinh, nhưng cũng là bản anh hùng ca bất diệt về lòng quả cảm và trí tuệ Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội Nguyễn Thanh Quang phát biểu tại lễ khai mạc

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội Nguyễn Thanh Quang phát biểu tại lễ khai mạc

Những quyết sách lịch sử được đưa ra từ nơi đây- Nhà và Hầm D67- đã dẫn dắt cuộc kháng chiến tới thắng lợi thần kỳ, làm nên một Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

“Triển lãm không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử vàng chói lọi, tri ân lớp lớp anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, tự do, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận, hun đúc tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, tiếp sức mạnh cho thế hệ hôm nay vững bước xây dựng và bảo vệ đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Quang chia sẻ.

Đại diện các nhân chứng lịch sử phát biểu tại lễ khai mạc, Đại tá Khuất Duy Hoan, nguyên Phó Tư lệnh quân đoàn 3 chia sẻ: “Tôi may mắn cùng các đồng đội có mặt tại Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34), được cầm súng trực tiếp tham gia chiến đấu từ chiến dịch giải phóng Tây Nguyên đầu xuân 1975, vinh dự có mặt trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn ngày 30.4.1975, được đóng góp phần sức lực nhỏ bé vào sự kiện lịch sử vẻ vang của đất nước”.

Đại diện các nhân chứng lịch sử, Đại tá Khuất Duy Hoan, nguyên Phó Tư lệnh quân đoàn 3 phát biểu tại lễ khai mạc

Đại diện các nhân chứng lịch sử, Đại tá Khuất Duy Hoan, nguyên Phó Tư lệnh quân đoàn 3 phát biểu tại lễ khai mạc

Ôn lại ký ức 50 năm về trước, Đại tá Khuất Duy Hoan nói: “Trong niềm vui to lớn của ngày đại thắng, chúng tôi không khỏi xót đau, thương tiếc hơn 200 đồng đội của đơn vị đã ngã xuống cùng hơn 300 đồng đội khác mang thương tật suốt đời trước cửa ngõ Sài Gòn, trước ngày toàn thắng”.

Ông xúc động, trên khắp đất nước đang rộn ràng vang lên những ca khúc chiến thắng: Tiến về Sài Gòn; Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh; Đất nước trọn niềm vui; Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, những bài hát sẽ vang mãi trong lòng người dân Việt Nam, từ các cụ già trăm tuổi đến các cháu nhi đồng.

“Chúng tôi đã đi qua cuộc chiến này nhưng không ai trong chúng tôi coi đó là chiến công mà đó là sứ mệnh, là bổn phận của người công dân với Tổ quốc. Có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc bình yên hôm nay là cái giá phải đổi bằng xương máu hàng triệu người dân, những người không kịp trở về, không có dịp chứng kiến quê hương hồi sinh, phố xá lên đèn rực rỡ, trẻ em tung tăng cắp sách tới trường.

Cái giá của độc lập, tự do không chỉ nằm trong sách giáo khoa mà còn nằm trong từng ngôi mộ chưa có tên, trong những lá thư còn dở dang, trong những người mẹ mãi chờ con về mà tóc bạc trắng tự bao giờ…”, Đại tá Khuất Duy Hoan nghẹn ngào.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà tặng hoa tri ân Đại tá Khuất Duy Hoan

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà tặng hoa tri ân Đại tá Khuất Duy Hoan

Triển lãm trưng bày hơn 200 tài liệu, hình ảnh quý báu, tái hiện sinh động giai đoạn nước rút quyết định từ sau Hiệp định Paris (1973) đến ngày toàn thắng mùa Xuân năm 1975.

Chủ đề Quyết định chiến lược của Tổng Hành dinh, giới thiệu tình hình cách mạng nước ta từ sau Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cuộc kháng chiến của quân dân ta đang đứng trước thời cơ lớn.

Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng, từ Tổng Hành dinh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định chiến lược cho cách mạng Việt Nam, khẳng định “Kiên định con đường cách mạng bạo lực, giữ vững chiến lược tiến công, nắm vững thời cơ, chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn”.

Các đại biểu tham quan triển lãm

Các đại biểu tham quan triển lãm

Các em học sinh tham quan triển lãm

Các em học sinh tham quan triển lãm

Chủ đề Một ngày bằng 20 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân và dân ta bước vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với nhịp độ “Một ngày bằng 20 năm”.

Cuộc chiến đấu của ta phát triển với tốc độ “thần tốc” với liên tiếp các thắng lợi từ các chiến trường: Đường 14 - Phước Long, Tây Nguyên, Trị Thiên Huế, Đà Nẵng.

Chủ đề Tiến về Sài Gòn, nắm bắt thời cơ, Bộ Chính trị chỉ đạo toàn quân, toàn dân bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, mở cuộc tổng công kích, tiến về giải phóng Sài Gòn.

Vào 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

Những hình ảnh tại triển lãm

Những hình ảnh tại triển lãm

Triển lãm mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 28.4.2025 đến ngày 31.5.2025.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng cán bộ trước nhà Quân ủy Trung ương, ngày 30.4.1975, nguồn: Bảo tàng LSQSVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng cán bộ trước nhà Quân ủy Trung ương, ngày 30.4.1975, nguồn: Bảo tàng LSQSVN

Nhân dân Thủ đô tập trung tại các loa phóng thanh công cộng nghe tin Sài Gòn giải phóng, ngày 30.4.1975, nguồn: TTXVN

Nhân dân Thủ đô tập trung tại các loa phóng thanh công cộng nghe tin Sài Gòn giải phóng, ngày 30.4.1975, nguồn: TTXVN

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội triển khai kế hoạch chỉnh lý tổng thể di tích Nhà và Hầm D67, nghiên cứu phục hồi màu gốc của di tích; bước đầu triển khai thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin diễn giải về Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67”.

Trong thời gian thực hiện đề án, câu chuyện “Nhà và Hầm D67, hành trình đến ngày toàn thắng” sẽ được diễn giải bằng công nghệ hiện đại, góp phần lưu giữ và tôn vinh giá trị di tích, đem đến cho du khách những trải nghiệm chân thực và hấp dẫn.

PHƯƠNG ANH- HÀ AN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/trien-lam-con-duong-thong-nhat-tai-hoang-thanh-thang-long-129891.html