Triển lãm Farnborough hé lộ những thách thức của ngành hàng không toàn cầu

Nhiều nhà cung cấp đổ lỗi cho các nhà sản xuất như Airbus và Boeing vì đã làm suy yếu chuỗi cung ứng thông qua các biện pháp cắt giảm chi phí và quy trình phê duyệt nhà cung cấp mới kém hiệu quả.

Phi đội bay "Mũi tên đỏ" của Không quân Hoàng gia Anh trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough ở Hampshire ngày 22/7/2024. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Phi đội bay "Mũi tên đỏ" của Không quân Hoàng gia Anh trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough ở Hampshire ngày 22/7/2024. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Triển lãm Hàng không Farnborough, một sự kiện lớn trong ngành hàng không, đã kết thúc trong bầu không khí ảm đạm mặc dù nhà sản xuất máy bay Airbus nhận được đơn đặt hàng máy bay lớn từ một hãng hàng không của Saudi Arabia.

Triển lãm hàng không Farnborough tại Anh đã khai mạc vào đầu tuần này trong bối cảnh các hãng hàng không đã đưa ra tín hiệu cảnh báo về sự sụt giảm sản lượng và giá bán máy bay trung bình.

Tuy nhiên, nhu cầu máy bay thân rộng vẫn chứng kiến đà tăng. Airbus và Boeing đã nhận được khoảng 40 đơn đặt hàng doanh nghiệp - con số chỉ bằng một phần nhỏ so với những năm gần đây.

Tính chung các đơn đặt hàng mới, Airbus đã vượt lên dẫn trước so với đối thủ sau khi công bố thỏa thuận mua 90 máy bay, trong đó có 15 chiếc A330neo từ hãng hàng không Flynas của Saudi Arabia.

Tuy nhiên, điểm nổi bật của triển lãm lần này không phải là các đơn hàng mới, mà là vấn đề về việc chậm trễ sản xuất.

Cả Airbus và Boeing đều gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch.

Nhiều nhà cung cấp đổ lỗi cho các nhà sản xuất như Airbus và Boeing vì đã làm suy yếu chuỗi cung ứng thông qua các biện pháp cắt giảm chi phí và quy trình phê duyệt nhà cung cấp mới kém hiệu quả.

Một cuộc khảo sát cho thấy chưa đến một nửa số nhà cung cấp tin rằng các mục tiêu sản xuất của ngành hàng không sẽ đạt được đúng hạn.

Thay vì tập trung cạnh tranh các đơn đặt hàng mới, cả hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đều thừa nhận rằng họ có các vấn đề cấp bách khác, bao gồm cả việc các nhà máy không thể đáp ứng nhu cầu gần đây do sự gián đoạn nguồn cung ứng - hậu quả từ hồi đại dịch.

Ngành hàng không đang ưu tiên năng lực sửa chữa cho các máy bay hiện có để giảm thời gian chờ đợi và đưa máy bay trở lại hoạt động trong mùa Hè bận rộn.

GE Aerospace cho biết họ sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trong vòng 5 năm vào các cơ sở bảo trì trên toàn thế giới.

Việc tập trung vào những lo ngại về nguồn cung ngắn hạn không ngăn cản các nhà sản xuất máy bay lớn tính trước các bước đi tiếp theo cho cuộc chiến phát triển máy bay đường dài chỉ vừa mới bắt đầu.

Các nhà sản xuất động cơ máy bay đang chuẩn bị cho thế hệ máy bay thân hẹp tiếp theo, dự kiến sẽ thay thế các mẫu Airbus A320 và Boeing 737 hiện tại.

Embraer, nhà sản xuất máy bay Brazil, đang tìm kiếm một đối tác quốc tế để thách thức thế độc quyền của Airbus và Boeing.

Họ đang cân nhắc hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Saudi Arabia và Hàn Quốc.

Boeing đã chứng kiến một triển lãm hàng không khá trầm lắng, điều được coi là một "dấu lặng" cho một công ty đang phải đối mặt với những thông tin tiêu cực và sự thay đổi bộ máy lãnh đạo.

Tuy nhiên, ngành hàng không mong muốn Boeing phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng về an toàn của dòng máy bay 737 MAX để duy trì sự ổn định tổng thể của ngành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/trien-lam-farnborough-he-lo-nhung-thach-thuc-cua-nganh-hang-khong-toan-cau-post966944.vnp