Triển lãm 'Gốm Sài Gòn' 2020 - Độc đáo ngôn ngữ của hỏa biến

Triển lãm 'Gốm Sài Gòn' sẽ khai mạc sáng 4/1 và kéo dài đến hết ngày 15/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, trưng bày 170 tác phẩm độc đáo của 7 tác giả.

Tác phẩm gốm "Những đóa hoa nảy mầm" của họa sĩ Nguyễn Thị Dũng

Tác phẩm gốm "Những đóa hoa nảy mầm" của họa sĩ Nguyễn Thị Dũng

Làm xong một bộ tác phẩm là bị trật khớp

Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2020, triển lãm nhóm “Gốm Sài Gòn” trưng bày 170 tác phẩm của 7 họa sĩ Nguyễn Thị Dũng (Bình Dương), Nguyễn Mậu Tân Thư (đến từ Bạc Liêu), Đoàn Xuân Hùng (Nha Trang), Nguyễn Quang Hoàng (Biên Hòa), Ngô Trọng Văn (Bình Dương), Nguyễn Văn Trung (TP.HCM), Hoàng Ngọc Hiến (đến từ Nghệ An).

Gặp nữ họa sĩ Nguyễn Thị Dũng trước thềm triển lãm, chị cho biết sẽ giới thiệu 20 tác phẩm, trong đó serie Mầm xanh đã được Dũng sáng tác trong các năm 2017-2018; serie chủ đề Những đóa hoa nẩy mầm (hoa Cúc, Cúc mẫu tử, Mẫu đơn…) được sáng tác năm 2019 và chủ đề hoa trái của năm 2020 gồm có Hoa và trái bưởi, Hoa và trái chuối, Mùa xuân

“Nhiều bộ tác phẩm tôi buộc phải tạo hình ngược, chẳng hạn như khi làm bộ Mầm xanh, phải nối tác phẩm vì có hàng ngàn cánh hoa. Có những bộ tác phẩm, như bộ hoa cúc phải làm hàng ngàn cánh hoa trên mỗi tác phẩm, hai tác phẩm là 2.000 cánh hoa, tôi phải làm việc liên tục cả ngày cả tối, kéo dài sáu tháng mới xong một bộ tác phẩm, nắn từng cánh, rồi đập, xong 1.000 cánh hoa muốn… rụng tay luôn. Làm xong một bộ tác phẩm là bị trật khớp, phải nghỉ đến cả tháng cái tay mới có thể hoạt động trở lại” – Nguyễn Thị Dũng kể.

Bộ tác phẩm "Những đóa hoa nảy mầm" của họa sĩ Nguyễn Thị Dũng

“Phải để tác phẩm trong một phòng riêng, chờ khô tự nhiên trong 2-3 tháng, đạt đủ độ ẩm mới bắt đầu làm men. Làm bộ tác phẩm hoặc hai bộ thì phải đợi đủ bộ mới chuyển đi nung. Tôi thường làm rất nhiều màu men, lúc dày lúc mỏng, có độ đậm nhạt khác nhau, nếu nung các mẻ khác nhau thì màu men sẽ không đều, nên có những bộ tác phẩm phải chờ nhau từ đầu năm đến cuối năm mới được chuyển đi nung” – Họa sĩ Nguyễn Thị Dũng cho biết.

Hỏa biến kỳ bí, quyến rũ

Quá trình hỏa biến mang lại điểm độc đáo của tác phẩm gốm, bởi thường mỗi mẻ gốm ra lò đều mang lại những bí mật bất ngờ, tác động mạnh vào cảm xúc của họa sĩ và cả người thưởng thức.

Chính yếu tố bất ngờ khó kiểm soát, thách thức của hỏa biến là sự thu hút, quyến rũ các họa sĩ theo đuổi sáng tác với dòng tác phẩm đặc biệt này.

Tác phẩm Gốm của họa sĩ Nguyễn Văn Trung

Tác phẩm Gốm của Hoàng Ngọc Hiến

Tác phẩm Gốm của họa sĩ Ngô Trọng Văn

Giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai – họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng cho biết: “Tôi chú trọng tính mỹ thuật, yêu cầu rất khắt khe, cộng với tính bất ngờ và khó kiểm soát của tác phẩm gốm nên phải chọn chất đất rất chắc chắn, kỹ càng, nhồi kỹ lưỡng thì mới không bị cong vênh, công đoạn chấm men cũng rất quan trọng mà chỉ khi ra lò thì mới biết thực sự tác phẩm thế nào. Sự cân bằng về âm dương, cân bằng của đất và lửa, cân bằng màu sắc giữa các màu men… đều phải đạt thì mới tạo được hiệu ứng thị giác và trở thành tác phẩm, nếu không thì lại thất bại”.

Tác phẩm gốm của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng có chủ đề về đời sống xô bồ, bon chen, ồn ào nơi phố thị, đồng thời thể hiện sự hướng nội, tìm về giá trị cốt lõi. Nguyễn Quang Hoàng dường như muốn nhắn gửi đến công chúng thông điệp về giá trị nội tâm bên trong, hướng thiện, trầm tĩnh lại, nhìn cuộc sống bằng góc nhìn nhân bản và sâu sắc hơn.

Tác phẩm Gốm của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng

Theo đuổi dòng gốm cổ Biên Hòa, họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng chú trọng sự mộc mạc, yêu cầu xương cốt đất phải tốt, men phải chuẩn, qua lửa nặng. Công cuộc giữ gìn những giá trị văn hóa cổ truyền của gốm cổ Biên Hòa với họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng đã cả chục năm rồi, nhưng anh bảo vẫn là một chặng đường chưa dài, vẫn còn đó nhiều băn khoăn, trăn trở.

Các họa sĩ đều cho biết cảm giác rất thú vị mỗi lần đốt lò và ra lò gốm, nên dù rất mệt nhưng vẫn bị đam mê gốm kích thích khám phá, trải nghiệm. Muốn sáng tạo với gốm, buộc phải kiên trì theo đuổi, thậm chí phải đánh đổi cả sức khỏe, chấp nhận nhiều nguy cơ nhiễm bệnh, do thời gian tiếp xúc với hóa chất quá dài, lại là tiếp xúc thủ công nên khó có thể phòng tránh hết các nguy cơ, chẳng hạn như bệnh phổi.

Từng tham gia rất nhiều triển lãm mỹ thuật nhóm và các triển lãm cấp thành phố, toàn quốc, các triển lãm mỹ thuật trong và ngoài nước, họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng cho biết cảm xúc của anh khi tham gia “Gốm Sài Gòn” lần này:

“Bảy họa sĩ tham gia Gốm Sài Gòn” đều là những họa sĩ đam mê tạo hình gốm, mỗi người có phong cách riêng, nhưng độ chuyên biệt cao, và đều có những con đường độc đáo để tạo ra các tác phẩm gốm” - Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng nói.

Tác phẩm Gốm của Hoàng Ngọc Hiến

Tác phẩm Gốm của Ngô Trọng Văn

Tác phẩm Gốm của Nguyễn Mậu Tân Thư

Gốm Sài Gòn” cho chúng ta thấy nhiều âm hưởng vùng miền khác nhau, nơi những con người làm gốm sinh ra và lớn lên. Họ mang âm hưởng văn hóa ấy trong suốt hành trình sáng tạo từ Thanh Hóa - Quảng Nam - Nha Trang - Ban Mê Thuột - Biên Hòa - Sài Gòn đến Bạc Liêu... Và với phong cách sáng tạo cũng rất thi vị, rất riêng. Từ góc nhìn của họa sĩ, nhà trang trí, nhà điêu khắc, nghệ nhân. Nguyễn Thị Dũng đẹp và nhẹ nhàng; lạ, bất ngờ là Nguyễn Mậu Tân Thư; Nguyễn Quang Hoàng ấm trầm, Ngô Trọng Văn khám phá trong khi Hoàng Ngọc Hiến lại truyền thống, Nguyễn Văn Trung đi vào lòng người còn Đoàn Xuân Hùng thì táo bạo, mạnh mẽ. Mỗi tác phẩm của họ mang đầy tính văn hóa bản địa và nhân văn” – Họa sĩ, nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng nhận xét.

Hòa Bình

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/trien-lam-gom-sai-gon-2020-doc-dao-ngon-ngu-cua-hoa-bien-377545.html