Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2024 có gì hấp dẫn?

Sáng 19/8, tại Trung tâm Triển lãm, Hội chợ, Quảng cáo Thanh Hóa, Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ 29 năm 2024 đã khai mạc. Đây là sự kiện hằng năm được giới mỹ thuật và những người yêu nghệ thuật chờ đợi.

Một góc của triển lãm.

Một góc của triển lãm.

Số lượng tranh trưng bày lớn nhất từ trước tới nay

Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2024 trưng bày 226 tác phẩm của 188 tác giả, trong đó có 109 tác phẩm của 71 tác giả là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 117 tác phẩm của 117 tác giả là hội viên và cộng tác viên của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) địa phương của 6 tỉnh Bắc miền Trung. Đây là các tác phẩm mới và tiêu biểu nhất của các nghệ sĩ trong vòng một năm qua, được sáng tác trên nhiều chất liệu, nội dung sáng tạo phong phú, lột tả chân thực vẻ đẹp văn hóa vùng miền, gửi gắm thông điệp về một cuộc sống bình dị và mộc mạc, nói lên tiếng nói nghệ thuật thuần khiết với tình cảm bao dung và đầy trách nhiệm của người nghệ sĩ, với tinh thần không ngừng xây dựng và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam đương đại với diện mạo mới, từng bước khẳng định hơn nữa tầm ảnh hưởng đến với thế giới.

Từ 226 tác phẩm ban tổ chức đã lựa chọn ra 12 tác phẩm để trao giải thưởng. Điều đó cho thấy một sự cạnh tranh rất lớn giữa các địa phương nói chung và các tác giả nói riêng. Họa sĩ Lê Ngọc Thái (Thừa Thiên Huế) chia sẻ niềm vui: Đến với triển lãm lần này thật sự tôi bất ngờ. Mặc dù số lượng tác phẩm nhiều nhưng không gian trưng bày đẹp. Riêng cá nhân tôi không chỉ được nhận Kỷ niệm chương vì những đóng góp tích cực cho nền mỹ thuật Việt Nam, mà tác phẩm “Chân dung” còn được trao giải khuyến khích. Với tôi đây là một kỳ triển lãm đáng nhớ.

“Gừng càng già càng cay”

Dù ở tuổi 87, nhưng trong hầu hết các cuộc triển lãm, tôi đều được gặp họa sĩ Lê Xuân Quảng. Không chỉ đến để thưởng tranh, ông còn là hội viên tham gia tích cực. Chứng kiến sức lao động, sáng tạo của người họa sĩ này mới thấy “gừng càng già càng cay”. Tham dự triển lãm lần này, ông giới thiệu với đồng nghiệp, những người yêu mỹ thuật 2 bức tranh: “Bến cá Hải Thanh” và “Xóm mới”. Ngắm nhìn bức tranh đoạt giải Khuyến khích “Bến cá Hải Thanh", ít ai nghĩ đó là của một người ngoại bát thập già nua với đôi bàn tay run rẩy, mà từng đường nét rưng rưng cảm xúc, tạo hình hiện đại. Nhịp điệu của những mảng miếng và nhân vật hòa quyện vào nhau mang lại không khí vui tươi, no ấm, nhẹ nhàng như một bản giao hưởng đẹp.

Và họa sĩ Đỗ Chung, 77 tuổi cũng tham gia triển lãm với hai bức tranh sơn dầu: “Trừu tượng 35199” và “Trừu tượng 43118”. Không khí tươi mới hiện lên từng nét vẽ của ông. Đặc biệt tác phẩm “Trừu tượng 35199”, không chỉ đẹp mà còn có nhiều sự suy tư, ngôn ngữ nghệ thuật thay đổi, những mảng miếng hình không bị trùng lặp. Chỉ sử dụng những khối hình vuông, hình tam giác... nhưng lại làm vui mắt người xem, khiến họ hấp dẫn. Nghệ thuật đạt được đến sự đơn giản như Đỗ Chung thì họa sĩ trẻ cũng khó mà theo được.

64 tuổi đời, 40 năm tuổi nghề, họa sĩ Đặng Mậu Triết (Thừa Thiên Huế) được coi là một trong ít người giữ được phong cách, sức làm việc. Với trên 10 triển lãm cá nhân, họa sĩ Đặng Mậu Triết là người yêu những giá trị “vốn cổ”, vì thế tranh của ông kết hợp được giữa các thực thể miêu tả kết hợp với hình khối làm thành một bố cục chặt chẽ có sức liên tưởng. Qua các tác phẩm của ông, người xem có thể bắt gặp tri thức văn hóa, sự hoài cổ, trân quý những giá trị truyền thống.

Đó cũng là lý do khi ông đến thăm Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), chính màu xanh của đá ở nơi dấu xưa thành cổ đã khiến ông rất ấn tượng và khơi nguồn cảm hứng để vẽ bức tranh “Dấu thời gian” (chất liệu sơn dầu, kích thước 140cm x 160cm), tác phẩm đoạt giải C tại triển lãm. “Mặc dù lịch sử đã qua đi hơn 600 năm nhưng màu xanh của đá cùng màu xám của thời gian và tình cảm của người dân xứ Thanh với vương triều Hồ thì vẫn còn đọng lại. Đi qua xứ Thanh một lần, nhưng khiến tôi suy tư trong gần 1 năm để vẽ bức tranh này”. Họa sĩ Đặng Mậu Triết cho biết. Dấu thời gian có bố cục chặt chẽ, hòa sắc đậm nhạt đủ để đẩy người xem vào đúng ý tưởng của tác giả. Ngoài bức tranh Dấu thời gian thì ông còn có tranh “Đàn chim Việt”. Đứng ngắm nhìn bức tranh “Đàn chim Việt”, họa sĩ Lê Xuân Quảng lộ rõ sự thích thú. Nói về tranh của đồng nghiệp, ông cho biết: "Tôi xem tranh và thường thích sự suy tư. Đàn chim Việt của Đặng Mậu Triết có đủ nóng - lạnh, ngôn ngữ thay đổi liên tục, chỉ hơi tiếc về khoảng sáng bên phía trái. Nhưng đây là bức tranh khá ấn tượng với tôi tại triển lãm này”.

Tín hiệu từ các tác giả trẻ

17 tác giả được giới thiệu tham dự Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là con số lớn nhất từ trước đến nay của triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung. Như họa sĩ Đặng Mậu Triết cho biết: "Lực lượng họa sĩ trẻ ngày càng nhiều, đó là tín hiệu tiếp nối. Chúng tôi rất vui khi nhìn thấy một thế hệ kế cận. Họ là những người năng động, nhiều sáng tạo".

“Bến cá Hải Thanh" (Lê Xuân Quảng), tác phẩm đoạt giải Khuyến khích.

“Bến cá Hải Thanh" (Lê Xuân Quảng), tác phẩm đoạt giải Khuyến khích.

Sinh năm 1981, họa sĩ Nguyễn Lương Sáng là cái tên quen thuộc với người yêu tranh của tỉnh Quảng Bình. Tranh của Sáng thuộc trường phái biểu hiện. Với hình thức “tự thể hiện”, từng màu sắc, nét cọ được khúc xạ qua lăng kính thầm kín của nỗi lòng nên đã bị biến màu, biến hình, cường điệu, khác với thực tế. Màu sắc trong tranh Nguyễn Lương Sáng có tính biểu hiện mạnh mẽ, tạo ấn tượng thị giác cao, vì thế “Rừng nhân gian” đã đoạt giải B (không có giải A).

Là nhà điêu khắc trẻ nhất hiện nay của tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Xuân Thành (SN 1990) thành công với thể loại phù điêu gò kim loại. Tác phẩm “Hồi sinh”, chất liệu sắt hàn của anh có ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật tạo mảng khối linh hoạt, có sự tối giản với nhiều mảng lồi lõm được cấu trúc liên kết với nhau tạo thành tổng thể tác phẩm có hướng mở. Mảng khối không có giới hạn đã mở ra nhiều không gian suy tưởng với người thưởng thức.

Nguyễn Đăng Sơn (SN 1978) tham dự giải với 2 tác phẩm sơn mài: “Đêm trên dòng sông Hương” và “Âm xưa”. Thể loại sơn mài vốn không phải là thế mạnh của các họa sĩ trẻ, nhưng “từ khi học hội họa, tôi đã mê sơn mài và bị nó lôi cuốn. Sức hấp dẫn của kỹ thuật sơn mài phải kể đến màu nước, cách tạo màu, khi mài tạo ra những hiệu ứng bất ngờ đầy cuốn hút ngoài chủ ý của tôi”, đó là chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn (Thừa Thiên Huế).

Hướng đến giá trị văn hóa truyền thống đang là xu hướng tiếp cận của nhiều họa sĩ trẻ. Đây là lần thứ 2, họa sĩ trẻ Phạm Hồng Vân (SN 1989) tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung. Lần đầu chị tham gia với tác phẩm “Lễ hội Pôồn Pôông I” (2023), và năm 2024 này, chị tiếp tục giới thiệu đến với mọi người tác phẩm “Lễ hội Pôồn Pôông II”. Vốn là người dân tộc Mường, sinh ra ở xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy), chảy trong người chị là những tiếng hát, điệu múa Pôồn Pôông. “Khi gửi tranh tham gia triển lãm tôi cũng có chút đắn đo, e ngại. Giờ thì tôi rất vui, bởi những suy nghĩ của người trẻ chúng tôi được thế hệ cha chú công nhận và cổ vũ”, Phạm Hồng Vân chia sẻ niềm vui khi chị được Hội đồng xét chọn tham dự Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và được nhận giải họa sĩ trẻ.

Cùng với Phạm Hồng Vân, họa sĩ trẻ Lê Trung Kiên (SN 1993) được hội đồng đánh giá cao ở khả năng tìm tòi, sáng tạo. Anh cho biết: “Mỗi cuộc triển lãm là một cơ hội giao lưu, tiếp xúc trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Thậm chí, được ngắm nhìn các tác phẩm, những “đứa con” đa hình sắc của các đồng nghiệp đã là cơ hội học hỏi và trau dồi kinh nghiệm lớn của người nghệ sĩ”. Mang tác phẩm “Trôi” - đứa con tinh thần - được thai nghén trong năm vừa qua tham gia triển lãm là cách họa sĩ Lê Trung Kiên thử thách và khám phá tiềm năng bản thân.

Vẫn biết rằng, nhiều tác phẩm chưa thực sự đầu tư, chất liệu tranh ở mức trung bình, nhưng xét về mặt tổng thể, với nhiều sự tìm tòi về ngôn ngữ, đường nét, màu sắc mới, các họa sĩ trẻ bằng các tác phẩm của mình đã thổi luồng sinh khí mới tạo cho cuộc triển lãm thêm nhiều màu sắc, nhiều hy vọng.

Bài và ảnh: Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/trien-lam-my-thuat-khu-vuc-bac-mien-trung-nam-2024-co-gi-hap-dan-32549.htm