Triển lãm 'Nghiên bút còn thơm': Bản hòa ca của con chữ với sắc màu và ánh sáng

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), hướng tới ngày Di sản Việt Nam, chiều 31/8, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Triển lãm thư pháp quốc ngữ 'Nghiên bút còn thơm'.

Đây là không gian giao lưu, hợp tác ý nghĩa của các tác giả thư pháp Quốc ngữ ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” gây ấn tượng đặc biệt với du khách bởi không gian ngập tràn sắc màu và ánh sáng. Tham quan một triển lãm nghệ thuật thư pháp nhưng thay vì xem và đọc những con chữ, công chúng có thể tương tác với tác phẩm bằng cách xem và cảm nhận, thông qua ấn tượng thị giác.

Một góc triển lãm Nghiên bút còn thơm

Một góc triển lãm Nghiên bút còn thơm

Chị Ngô Thanh Huyền ở quận Hai Bà Trưng – Hà Nội chia sẻ: “Trong một buổi chiều thu Hà Nội, các tác phẩm trưng bày trong triển lãm “Nghiên bút còn thơm” đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Trước tiên, sự đan xen giữa màu sắc và ánh sáng khiến tôi cảm nhận được nét hiện đại từ những tác phẩm thư pháp. Không chỉ vậy, sự uốn lượn của những con chữ cho thấy các tác giả đã thực sự thăng hoa và gửi gắm nhiều ý tưởng nghệ thuật trong các tác phẩm của mình. Tôi thật sự ấn tượng”.

Triển lãm trưng bày 101 tác phẩm. Trong đó, có 70 tác phẩm chính thức mang những nội dung, ý nghĩa, ý tưởng nghệ thuật cụ thể và 41 tác phẩm nhỏ được lựa chọn ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác chuẩn bị cho triển lãm của các tác giả. Nội dung các tác phẩm thư pháp được lấy cảm hứng để viết và sáng tác từ các tác phẩm thơ văn Quốc âm bằng chữ Nôm và Quốc ngữ của các danh nhân trong lịch sử và văn học nước nhà như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân khác gắn bó hoặc có những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội và Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đặc biệt, lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn chương thời nay để viết Thủ đô Hà Nội, tác giả Bùi Chính Hưng, thành viên Câu lạc bộ Thư pháp “Hội nhập thư quán” chia sẻ về các tác phẩm của mình:

“Các tác phẩm của tôi đều đề cập đến thủ đô Hà Nội. Một tác phẩm nói về Bảo kiếm của đất nước. Bảo kiếm về võ. Đó là một thanh gươm được giấu ẩn ở Hồ Gươm, sẵn sàng có thể được tuốt ra nếu như ngoại bang lăm le xâm chiếm. Có những bảo kiếm về văn trong quần thể di tích Hồ Hoàn Kiếm. Đó là đài nghiên, tháp bút, những di sản về văn hóa, tinh thần của dân tộc ta, kết tinh ở những ngọn bút viết lên trời xanh. Đấy là những bảo kiếm mang ý nghĩa về văn đối với dân tộc ta”.

Theo ban tổ chức, triển lãm được thực hiện trong vòng 4 tháng. Tính chuyên nghiệp và hiện đại của triển lãm được thể hiện không chỉ ở ý tưởng, sự sắp đặt, việc trưng bày, ở câu chuyện muốn nói, ở điều mà triển lãm muốn hướng tới, mà còn ở việc toàn bộ hoạt động được ghi lại bằng những thước phim chuyên nghiệp trong suốt quá trình chuẩn bị cho đến ngày khai mạc. Triển lãm hội tụ các tác giả ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Mỗi người làm một ngành nghề khác nhau, nhưng đều có tình yêu chung với thư pháp chữ Việt và mong muốn được đem tình yêu nghệ thuật ấy của mình chia sẻ và lan tỏa tới nhiều người yêu con chữ Việt.

Giám tuyển của triển lãm - Thư pháp gia, triện khắc gia Xuân Như - Vũ Thanh Tùng nhận định: “Nếu như trước kia, chữ Hán, chữ Nôm đã tạo nên bề dày về văn hóa, lịch sử của dân tộc ta thì chữ quốc ngữ ngày nay chính là công cụ để viết tiếp những trang sử đó. Nếu như thư pháp Hán Nôm đã để lại cho chúng ta ngày hôm nay biết bao hình ảnh về quá khứ vàng son của ông cha, gắn nhiều với những bút tích của ông cha để lại thì chữ quốc ngữ và thư pháp quốc ngữ ngày hôm nay chính là nét chấm phá mới mà chúng tôi muốn gửi gắm và chia sẻ với tất cả mọi người trong cuộc triển lãm này”.

Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” được kỳ vọng sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, không chỉ của những người đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp Quốc ngữ mà còn nhận được nhiều sự quan tâm của những người đang nghiên cứu, học tập, theo đuổi đam mê với bộ môn nghệ thuật mới mẻ này.

Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng và du khách tham quan từ nay đến hết ngày 25/9, tại Khu Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Loạt tác phẩm được thiết kế với ý tưởng sáng tạo riêng của các tác giả

Loạt tác phẩm được thiết kế với ý tưởng sáng tạo riêng của các tác giả

Không gian triển lãm ngập tràn sắc màu và ánh sáng

Không gian triển lãm ngập tràn sắc màu và ánh sáng

Các tác phẩm trưng bày đem lại cảm xúc thú vị cho người xem

Các tác phẩm trưng bày đem lại cảm xúc thú vị cho người xem

Các tác phẩm nhỏ được thiết kế sáng tạo thành một tác phẩm lớn

Các tác phẩm nhỏ được thiết kế sáng tạo thành một tác phẩm lớn

Nét chấm phá sáng tạo trong một tác phẩm thư pháp

Nét chấm phá sáng tạo trong một tác phẩm thư pháp

Tác giả Bùi Chính Hưng chia sẻ về quá trình sáng tác của bản thân

Tác giả Bùi Chính Hưng chia sẻ về quá trình sáng tác của bản thân

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám phát biểu khai mạc triển lãm

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám phát biểu khai mạc triển lãm

Giám tuyển Vũ Thanh Tùng phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm

Giám tuyển Vũ Thanh Tùng phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm

Đông đảo khán giả tham dự khai mạc triển lãm Nghiên bút còn thơm

Đông đảo khán giả tham dự khai mạc triển lãm Nghiên bút còn thơm

Huyền Trang/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/trien-lam-nghien-but-con-thom-ban-hoa-ca-cua-con-chu-voi-sac-mau-va-anh-sang-post1118146.vov