Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc: Những thanh âm lặng lẽ

Được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai từ ngày 2-2 đến 19-3, triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc là một trong những hoạt động thú vị phục vụ người thưởng lãm trong dịp Xuân Tân Sửu 2021.

Hơn 100 hiện vật, hình ảnh, bảng trích trưng bày tại đây đã giới thiệu đến công chúng một phần kho tàng nhạc cụ truyền thống phong phú, độc đáo của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh-cho hay: Đây đều là những hiện vật đã được sưu tầm trên 30 năm; nhiều món từng được lưu truyền qua 2, 3 thế hệ.

Chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh giới thiệu về các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bahnar, Jrai. Ảnh: Phương Duyên

Chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh giới thiệu về các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bahnar, Jrai. Ảnh: Phương Duyên

Gia Lai là vùng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, do vậy không gian trưng bày không thể thiếu bóng dáng cồng chiêng. Tại đây có 4 bộ cồng chiêng gồm: chiêng Kơ Đơ, chiêng Aráp, chiêng Goong và chiêng Lào. Cùng với đó là nhiều hiện vật đi kèm nhằm giúp người xem hình dung chi tiết hơn về không gian văn hóa cồng chiêng như: búa chỉnh chiêng, dùi, giỏ đựng chiêng…

Chiếm phần lớn không gian trưng bày là 10 chiếc trống da trâu độc đáo, có chiếc đồ sộ đến kinh ngạc với đường kính mặt trống hơn 1 m. Chỉ cần gõ thật nhẹ, âm thanh đã rền rền bật lên, khiến người nghe không khỏi liên tưởng đến tiếng trống chiêng vang vọng mùa lễ hội buôn làng.

Nhiều loại nhạc cụ khác được sử dụng trong dịp lễ hội của dân tộc Bahnar, Jrai như: klông put, t'rưng, lục lạc, tù và, chũm chọe… cũng đều có mặt trong không gian triển lãm. Chúng nằm lặng lẽ nhưng vẫn reo vang trong tâm tưởng người xem những thanh âm thánh thót, rộn ràng, sôi nổi.

Cũng không thể không nhắc đến những nhạc cụ đậm chất tự tình như goong, kní, bró… Không gian của chúng vốn là nhà sàn, nhà rẫy, được diễn tấu lúc nông nhàn hay vào những đêm tịch mịch, con trăng treo lơ lửng trên đầu… Người xem không khỏi bất ngờ trước chiếc đàn goong được chế tác hết sức tỉ mỉ, đẹp mắt.

Bằng vật liệu tre nứa đến kim loại, từ nhạc cụ đơn sơ đến loại có sự phát triển khá cao trong kỹ thuật diễn tấu, kho tàng nhạc cụ truyền thống đã thể hiện khả năng sáng tạo văn hóa nghệ thuật độc đáo của các dân tộc tại chỗ trên vùng đất Gia Lai.

Cùng bạn đến tham quan triển lãm, chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 2, xã Diên Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi ấn tượng nhất là bộ trống da trâu nhiều chiếc lớn nhỏ được trưng bày tại đây và bộ chiêng Aráp 16 chiếc. Theo tôi, Bảo tàng tỉnh nên bài trí lại, trưng bày bộ trống ở vị trí trung tâm thì sẽ thu hút và bắt mắt hơn”.

Chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh giới thiệu về các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bahnar, Jrai. Ảnh: Lam Nguyên

Chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh giới thiệu về các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bahnar, Jrai. Ảnh: Lam Nguyên

Chiếm một phần không gian triển lãm là nhạc cụ của cộng đồng cư dân mới đến định cư, thể hiện rõ bản sắc văn hóa vùng miền với tính cộng đồng đa dạng, độc đáo như: khèn của người Mông; đàn tính của người Tày; sáo, đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, trống, kèn bát của người Kinh… Mỗi loại nhạc cụ đều là một “đại sứ” văn hóa của từng dân tộc.
Người thưởng lãm đặc biệt bị thu hút bởi nhạc cụ của các dân tộc phía Bắc. Theo truyền thuyết của người Tày, đàn tính do chàng trai tên Xiên Cân làm ra với 12 dây. Tài chơi đàn tính của Xiên Cân không ai sánh nổi, nhiều người nghe tiếng đàn của chàng đều bị quyến rũ quên hết sự đời, muôn vật nghe tiếng đàn đều ngẩn ngơ. Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi xuống tìm hiểu sự tình mới biết nguyên cớ. Và Ngọc Hoàng buộc Xiên Cân phải cắt bỏ 9 dây, còn lại 3 dây. Đó là lý do đàn tính ngày nay chỉ có 2-3 dây, nhưng vẫn làm say đắm, ngẩn ngơ hồn người.

Người Tày quan niệm: Không có đàn tính thì hát then không thể ngân vang, lời ca không thể dịu ngọt, tha thiết. Ngày nay, hầu hết các hoạt động văn hóa của người Tày như: cưới xin, mừng thọ, liên hoan văn nghệ… đều không thể thiếu cây đàn tính.

Tương tự, khèn được xem là biểu tượng văn hóa của người Mông. Đây là nhạc khí thiêng kết nối cõi trần và thế giới tâm linh, đồng thời là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm.

Truyền thuyết kể rằng, ngày nọ, khi đang ở nhà chờ các con lên nương về, có đôi vợ chồng bị cơn lũ cuốn trôi. Thương nhớ cha mẹ, 6 người con thảm thiết khóc lóc suốt 9 ngày 9 đêm. Khi khản giọng, họ vào rừng lấy ống trúc về thổi thay cho tiếng khóc.

Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của những người con, Thần Núi đã ban tặng cho họ bí quyết làm nên chiếc khèn có 6 ống nứa dài ngắn khác nhau, tượng trưng cho độ tuổi của 6 anh em, giúp họ gửi gắm lời yêu thương và làm vơi bớt khổ đau vì mất cha mất mẹ. Từ đó, khèn có mặt hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người Mông.

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị tổ chức triển lãm nhạc cụ các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sau hơn nửa tháng, triển lãm chỉ đón hơn 100 lượt khách đến tham quan. Theo ghi nhận của P.V, dù khá lặng lẽ song đây vẫn là nỗ lực đáng quý của những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng, qua đó góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc anh em tại Gia Lai.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202102/trien-lam-nhac-cu-truyen-thong-cac-dan-toc-nhung-thanh-am-lang-le-5724097/