Triển lãm 'nhóm 99' – tranh của những người làm báo phía Nam
Nhằm chào mừng 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2024), Nhóm 99, tập hợp những họa sĩ chuyên và không chuyên đang công tác tại các cơ quan báo chí khu vực miền Nam, đã tổ chức thành công buổi ra mắt triển lãm tranh Sắc màu của những nhà báo tại TP.HCM.
Triển lãm quy tụ 130 tác phẩm của các thành viên nhóm 99, bao gồm: họa sĩ Ngô Thành Nhân, họa sĩ Nguyễn Nghiêm, nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, nhà báo Vũ Sơn, nhà báo Đỗ Hương, nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà báo Tiểu Tân.
Điểm đặc biệt của nhóm 99 là các thành viên đều là những người làm báo chuyên nghiệp. Ngoài công việc chính, họ còn có chung sở thích và đam mê hội họa. Hầu hết các thành viên đến với hội họa khá muộn, có người mới chỉ sáng tác 2 - 3 năm gần đây. Tuy nhiên, trong nhóm có 2 người cao tuổi nhất đã 75 tuổi và đã nghỉ hưu, người trẻ nhất năm nay 30 tuổi.
Là những người làm báo, tranh của họ ít nhiều mang tính "thế sự". Họ vẽ về đồng nghiệp, biển đảo, các phong trào xã hội, bên cạnh chân dung, phong cảnh và tĩnh vật. Nhiều người trong nhóm chưa dám nhận mình là họa sĩ, họ chỉ muốn mượn ngôn ngữ hội họa để thể hiện những tâm tư, suy nghĩ mà họ không thể diễn tả hết bằng con chữ.
130 bức tranh trong triển lãm lần này đa dạng về phong cách nhưng đều toát lên sự hồn hậu và phong phú trong cách thể hiện.
Triển lãm "Sắc màu của những nhà báo" là dịp để những người yêu hội họa có cơ hội thưởng thức những tác phẩm độc đáo của những nhà báo "tay ngang". Triển lãm kéo dài từ 18 – 26/06 tại 116 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Vài nét về 8 nhà báo - họa sĩ có tác phẩm triển lãm
Họa sĩ Ngô Thành Nhân: Họa sĩ sơn mài truyền thống nổi bật với 50 năm hoạt động nghệ thuật. Với Triển lãm tranh “99” lần này, anh tham gia 5 bức tranh sơn dầu, acrylic… Trong đó, có bức Hạ Long khổ lớn và một số bức vẽ TP.HCM hiện đại, cùng một số tranh hoa, người bay bổng, ước lệ.
Họa sĩ Nguyễn Nghiêm: từng là phóng viên Đài Truyền thanh quận Tân Bình (1985-1990), nguyên giảng viên cơ hữu Trường Đại học Quốc tề Hồng Bàng, giảng viên thỉnh giảng tại Khoa mỹ thuật Công nghiệp của một số trường đại học. Triển lãm lần này, anh mang đến 15 bức tranh chủ đề phong cảnh.
Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ: Từng công tác tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, từ năm 1977-2016 qua nhiều cương vị. Bắt đầu tự học vẽ từ năm 2017, đã tham gia 3 triển lãm tại Hội Mỹ thuật TPHCM. 20 bức tranh anh mang đến triển lãm lần này là phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật với các chất liệu acrylic, màu nước trên giấy dó…
Nhà báo - họa sĩ Vũ Kim Sơn: Nguyên là phóng viên chiến trường của Thông Tấn Xã Giải Phóng (cơ quan tiền tiêu của TTXVN). Anh đồng thời là nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi của Báo Ảnh Việt Nam (TTXVN). Bắt đầu vẽ tranh từ 2000, anh có góc nhìn nghệ thuật về ánh sáng, bố cục từ nhiếp ảnh. Với hơn 40 năm tác nghiệp qua khắp miền đất nước, Kim Sơn có nhiều tác phẩm tập trung chủ yếu đề tài phong cảnh, sinh hoạt đời thường. Anh đã tham gia và tạo ấn tượng tốt trong 3 triển lãm nhóm.
Nhà báo Đỗ Hương: Từ năm 2003, chị vẽ các tác phẩm sơn dầu khổ lớn tham gia gây quỹ cho các chương trình từ thiện. Thời gian đầu chị vẽ sơn dầu với lối vẽ cổ điển và đã có triển lãm nhóm với các họa sĩ Hà Nội tại Bảo tàng Mỹ Thuật. Sau đó chị vẽ acrylic và lụa, đã triển lãm tranh nhóm 2 lần cùng các nhà báo. Triển lãm lần này, chủ yếu chị mang những bức tranh hoa và phong cảnh tĩnh với lối vẽ thử nghiệm mới.
Nhà báo - NSNA Nguyễn Hồng Nga: Bắt đầu vẽ năm từ 2000, đã tham gia triển lãm nhiều lần với nhóm Hương Cỏ, Những nhà nhiếp ảnh vẽ tranh, Giấc mơ màu… tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Bên cạnh công việc của một Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM luôn đi khắp mọi miền sáng tác ảnh, hướng dẫn học viên chụp ảnh, chị vẫn dành thời gian để vẽ tranh. Hồng Nga đã có nhiều triển lãm trong nước và được yêu quý bởi sự thân thiện tích cực không chỉ ngoài đời mà cả trên các tác phẩm của chị, từ ảnh đến tranh.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Cây bút “phóng sự” có tên tuổi trong làng báo. Hơn 40 năm làm báo cho đến ngày về hưu, và phục hồi sau một lần bạo bệnh, anh mới cầm bút vẽ trở lại như để hồi sinh năng lượng. Những bức chân dung ra đời ngay trên giường bệnh. Sau 3 năm, vừa dưỡng bệnh vừa vẽ, Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ hơn 2.000 bức tranh chủ yếu là chân dung bạn bè, đồng nghiệp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Trong Triển lãm tranh “99” lần này, bộ tranh chân dung “Người tôi yêu mến” của Huỳnh Dũng Nhân là một điểm nhấn đặc biệt. Đó là chân dung nhà báo nhiều thế hệ, văn nghệ sĩ - những người gắn bó thân thiết hoặc để lại ấn tượng sâu sắc cho anh.
Phóng viên Tiểu Tân: Công tác tại Ban Văn hóa Văn nghệ Báo Sài Gòn Giải Phóng. Với Triển lãm tranh “99”, Tiểu Tân mang đến 20 tác phẩm, cả tranh lụa và màu nước, chủ đề phong cảnh, tĩnh vật, chân dung…
Mai Lê