Triển lãm 'Non sông liền một dải' tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Ngày 25.4, tại khuôn viên Tòa nhà Tổ chức sử dụng tài liệu khu vực phía Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II khai mạc triển lãm chuyên đề 'Non sông liền một dải', chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025).

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Hơn 200 tài liệu kể chuyện đại thắng mùa Xuân 1975
Đây là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động văn hóa tại không gian lưu trữ hiện đại, tiền đề quan trọng trong hành trình hiện đại hóa công tác gìn giữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia - di sản của dân tộc tại khu vực phía Nam.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 200 đơn vị tài liệu với gần 450 trang văn bản, bản đồ, hình ảnh được tuyển chọn từ nguồn lưu trữ quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam và sưu tầm từ các tổ chức, cá nhân.
Thông qua các tư liệu phong phú, đa chiều, triển lãm tái hiện lại trang sử hào hùng của dân tộc trong những ngày cả nước cùng tiến lên tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam – đại thắng mùa Xuân năm 1975, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập và phát triển.
Triển lãm mang ý nghĩa sâu sắc về vai trò giáo dục lịch sử và lan tỏa tinh thần yêu nước thông qua tài liệu lưu trữ. Những “chứng nhân của lịch sử” là tài liệu lưu trữ kể lại câu chuyện hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử năm xưa, đưa người xem bước vào hành trình lịch sử nhiều cảm xúc.

Ông Nguyễn Khắc Nhu – chỉ huy mũi thọc sâu của Trung đoàn 66, Quân đoàn 2 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cũng là chứng nhân lịch sử sự kiện bắt Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và toàn bộ nội các Vũ Văn Mẫu đầu hàng vô điều kiện, giao lưu tại chương trình
Nhằm hướng tới trở thành điểm đến văn hóa – giáo dục – du lịch trí tuệ, nơi lịch sử, văn hóa được tái hiện sống động qua công nghệ và nơi những giá trị di sản của dân tộc được lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống đương đại, cùng trong chuỗi hoạt động, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II giới thiệu 2 chuyên đề:
Chuyên đề “Giá trị một nguồn di sản”: giới thiệu lịch sử gần 50 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II – nơi đang gìn giữ nguồn di sản đặc biệt có giá trị của quốc gia, dân tộc.
Qua các không gian trưng bày tích hợp công nghệ hiện đại như màn hình cảm ứng, thuyết minh audio, hệ thống kệ đa lớp..., người xem có cơ hội khám phá quá trình thu thập, xử lý và gìn giữ tài liệu của nhiều thế hệ cán bộ lưu trữ – những người đã làm "sống dậy" những trang hồ sơ, phông lưu trữ quý giá.
Triển lãm đồng thời phản ánh chiến lược phát triển dài hạn của Trung tâm, đó là hướng tới hiện đại hóa toàn diện, số hóa tài liệu, tối ưu hóa quy trình lưu trữ, cung cấp dữ liệu mở, phục vụ cộng đồng trong thời kỳ chuyển đổi số.
Chuyên đề “50 dấu ấn quy hoạch đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn - TP.HCM”: giới thiệu 50 bản đồ và nhiều hình ảnh tư liệu từ nguồn lưu trữ quốc gia và Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, ghi lại dấu ấn quy hoạch và phát triển đô thị Sài Gòn – TP.HCM qua gần 250 năm. Đây là một bức tranh sinh động về quá trình đô thị hóa, phản ánh sự phát triển bền vững và tầm nhìn quy hoạch đô thị xuyên suốt các giai đoạn lịch sử.
Với định hướng xây dựng trở thành thiết chế công cộng mở, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II không chỉ thực hiện chức năng lưu trữ và bảo quản tài liệu quốc gia mà còn là điểm đến văn hóa – giáo dục – du lịch trí tuệ.
Thông qua các hoạt động trưng bày chuyên đề theo mùa, chương trình giao lưu với học sinh, sinh viên, các buổi tọa đàm học thuật, trải nghiệm tài liệu số và tương tác công nghệ..., Trung tâm đang từng bước đưa di sản lưu trữ đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ và những người yêu lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Triển lãm “Non sông liền một dải” mở cửa tự do trong suốt dịp lễ 30.4 và kéo dài đến tháng 6.2025 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II – số 2 Ter Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM.

Sinh viên xem triển lãm
Loạt ấn phẩm đặc biệt chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), đồng thời nhằm giới thiệu đến công chúng các tài liệu lưu trữ quý giá về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tổ chức biên soạn và xuất bản loạt ấn phẩm chuyên đề quan trọng, bao gồm:
1. Cuộc phiêu lưu của đạo quân viễn chinh – Hồ sơ bên kia chiến tuyến (2 tập)
Ấn phẩm gồm hai tập: Tập 1 – Can Dự, Tập 2 – Tham Chiến, tuyển chọn và giới thiệu các tài liệu của chính quyền Sài Gòn và các cơ quan, tổ chức của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, phản ánh quá trình từ can thiệp đến tham chiến của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, giai đoạn 1945 – 1973.
Ấn phẩm mang đến góc nhìn từ "bên kia chiến tuyến", giúp công chúng có thêm tư liệu để hiểu sâu sắc hơn về bối cảnh, nguyên nhân và diễn biến của cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài suốt ba thập kỷ.

2. Chiến tranh Việt Nam 1945 – 1975 – Hồ sơ bên kia chiến tuyến, Tập 1: Nguồn gốc chiến tranh (1858 – 1945)
Ấn phẩm khai thác, hệ thống hồ sơ tài liệu của các cơ quan chính quyền thuộc địa Pháp ở Viễn Đông, hồi kỳ của những nhân chứng tham dự vào những sự kiện lịch sử;… góp phần phục dựng lại, từ “góc nhìn” của những nhà thực dân đi xâm chiếm thuộc địa, về giai đoạn lịch sử đầy biến động trong lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam.
3. 50 dấu ấn quy hoạch đô thị Sài Gòn – TP.HCM
Ấn phẩm công bố, giới thiệu 50 bản đồ về quy hoạch đô thị thành phố từ khi Sài Gòn – Gia Định là kinh dinh của chúa Nguyễn trong thế kỷ XVIII, qua gần 250 năm phát triển, từng bước đi lên văn minh, hiện đại và hướng tới hình thành đô thị toàn cầu hiện nay.
4. Đô thị Nam Bộ trước năm 1945, Tập 1: Sài Gòn – Chợ Lớn – Bình Hòa, Tây Ninh và Tân An
Ấn phẩm tập trung giới thiệu các tài liệu quý liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của các đô thị tiêu biểu thuộc tỉnh Gia Định thời Nguyễn, góp phần làm rõ diện mạo đô thị Nam Bộ giai đoạn trước năm 1945.