Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Biên đội 'hổ mang chúa' tại triển lãm

Phía sau hình ảnh dũng mãnh cùng tiếng động cơ phản lực rền vang của biên đội 'hổ mang chúa' - biệt danh của tiêm kích chiến đấu hiện đại SU-30MK2 mà người dân được chứng kiến trên bầu trời Hà Nội, là những ngày tập luyện, huấn luyện miệt mài của các phi công quân sự đến từ Trung đoàn 927 và 923 (Sư đoàn 371), Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370), Quân chủng Phòng không-Không quân, chuẩn bị cho hoạt động bay chào mừng Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Vào những tuần huấn luyện cao điểm trước ngày khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (19-12), 18 phi công (14 chính thức và 4 dự bị) của 2 biên đội gồm 7 chiếc SU-30MK2 (1 biên đội 4 chiếc và 1 biên đội 3 chiếc) luyện tập với cường độ cao hơn, quyết tâm cống hiến những màn biểu diễn đẹp mắt, kỹ thuật điêu luyện, thể hiện trình độ, sức mạnh của lực lượng Không quân Việt Nam.

Thượng tá Vũ Đức Hùng, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 927, phi công quân sự cấp 1 cho biết: "Không giống với triển lãm lần đầu tiên năm 2022, lần này các phi công sẽ trình diễn những kỹ thuật khó hơn, như nhào lộn nhiều vòng, khoan tăng lực, bay vòng chiến đấu. Các máy bay của biên đội sẽ có những cơ động phức tạp hơn trong đội hình lớn 3 chiếc, 4 chiếc".

 Các phi công SU-30MK2 sẽ tham gia bay chào mừng triển lãm. Ảnh: MẠNH QUÂN

Các phi công SU-30MK2 sẽ tham gia bay chào mừng triển lãm. Ảnh: MẠNH QUÂN

Thượng tá Vũ Đức Hùng chính là phi công đã thực hiện cú khoan tăng lực đầu tiên trên bầu trời khu vực cầu Long Biên ở Hà Nội trong đợt huấn luyện cao điểm lúc hơn 6 giờ sáng. Xuất kích từ sân bay Kép (Bắc Giang) chỉ chưa đầy 5 phút, Vũ Đức Hùng đã điều khiển chiếc máy bay đến vị trí xác định. Điều kiện khí tượng cho phép, chớp thời cơ, phi công quân sự cấp 1 dày dạn kinh nghiệm có tích lũy 2.000 giờ bay Vũ Đức Hùng đã điều khiển “hổ mang chúa” vút lên bầu trời vẫn chưa tan hết mây mù vào buổi sáng sớm. Với kỹ thuật khoan điêu luyện, mãn nhãn do Vũ Đức Hùng thực hiện đã truyền cảm hứng khích lệ các thành viên toàn biên đội tiếp tục tích cực luyện tập.

“Chúng tôi xác định cần luyện tập kỹ trong điều kiện địa hình có nhiều nhà cao tầng ở khu vực sân bay Gia Lâm diễn ra lễ khai mạc triển lãm. Với tốc độ của SU-30MK2 bay ở những địa hình như vậy sẽ khó hơn nhiều so với khu vực chúng tôi thường huấn luyện tại sân bay Kép”, phi công Vũ Đức Hùng chia sẻ.

Phi công trẻ nhất trong biên đội, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1993, nói: “Nhờ những lần tập luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ đặc biệt này, tôi có cơ hội được bay ở đội hình lớn hơn, số lượng máy bay nhiều hơn, yêu cầu kỹ thuật lái cũng cao hơn. Đây cũng là cơ hội để tôi củng cố và nâng cao kỹ thuật bay. Các động tác trình diễn bay chào mừng triển lãm lần này cũng là những kỹ thuật tác chiến quan trọng đối với phi công điều khiển SU-30MK2. Vì vậy, được tham gia bay trình diễn giúp những phi công trẻ chúng tôi có tâm lý vững vàng, tự tin hơn khi thực hiện các nhiệm vụ hằng ngày...”.

Vinh dự lần đầu tiên được giao nhiệm vụ bay chào mừng ở một sự kiện quan trọng, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải cho biết mình ngồi ở vị trí buồng trước, điều khiển máy bay và thực hiện động tác vòng chiến đấu trong đội hình 3 chiếc. “Được bay cùng biên đội với những giảng viên, phi công quân sự cấp 1, cấp 2 là điều rất may mắn đối với các phi công trẻ như chúng tôi. Sau mỗi lần bay, chúng tôi được nghe giảng bình giữa buồng trước, buồng sau, giữa các số (vị trí) trong biên đội, giữa chỉ huy bay với phi công. Đó là những bài học thực hành vô cùng bổ ích đối với mỗi chúng tôi”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

Đội hình 4 chiếc SU-30MK2 trong biên đội đang huấn luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ tại triển lãm. Ảnh: TUẤN HUY

Đội hình 4 chiếc SU-30MK2 trong biên đội đang huấn luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ tại triển lãm. Ảnh: TUẤN HUY

Để bảo đảm cho nhiệm vụ bay huấn luyện lần này, Sư đoàn 371 huy động cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tham gia các nhiệm vụ khác nhau (chỉ huy bay, hậu cần, kỹ thuật mặt đất, thông tin-radar...). Trước nhiệm vụ đặc biệt, cường độ huấn luyện cao, từ mấy tuần nay, toàn đơn vị hầu như không có ngày nghỉ, kể cả thứ bảy, chủ nhật.

Nhằm bảo đảm bàn giao máy bay tốt cho phi công trước khi bay, mọi công tác chuẩn bị kỹ thuật, gồm các giai đoạn trước ngày bay, trước khi bay, giữa những chuyến bay và sau khi bay đều được thực hiện đúng theo điều lệ, quy chế, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các máy bay trước khi bay huấn luyện đều được kiểm tra kỹ lưỡng về kỹ thuật để có chất lượng tốt nhất trong quá trình khai thác sử dụng. Bảo đảm điều kiện kỹ thuật tốt mới tiến hành cho phi công thực hiện nhiệm vụ.

Ở giai đoạn huấn luyện cao điểm như hiện nay, từ 4 giờ sáng, các lực lượng bảo đảm đã phải có mặt ở tuyến đậu máy bay, bãi lăn của sân bay Kép... để bắt đầu mọi công việc chuẩn bị cho một ngày huấn luyện mới. Mọi công tác chuẩn bị, bảo đảm, kiểm tra kỹ thuật máy bay đều phải hoàn thành trước khi tiến hành bay trinh sát khí tượng. Ở cương vị biên đội trưởng bay trong đội hình 4 chiếc, Thượng tá Vũ Đức Hùng ngoài nhiệm vụ dẫn biên đội còn là người đảm nhận bay trinh sát khí tượng.

Công tác huấn luyện được tiến hành theo 3 phương án, tùy theo điều kiện khí tượng gồm: Thời tiết tốt, có mây che tầm nhìn và thời tiết xấu. Điều kiện khí tượng miền Bắc từ tháng 9 đến tháng 12 tương đối phức tạp. Vì vậy, công tác huấn luyện cho nhiệm vụ bay chào mừng triển lãm được tiến hành chủ động, chặt chẽ, thực hiện từ đơn giản đến phức tạp; từ độ cao trung, độ cao thấp, xuống độ cao cực thấp. Phi công được huấn luyện để có thể đảm nhận tốt nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau.

Sau mỗi chuyến bay huấn luyện, cùng vượt qua khó khăn, thử thách, toàn biên đội SU-30MK2 “tung cánh” bay vững vàng, tự tin hơn, sẵn sàng cho ngày bước vào nhiệm vụ đầy vinh dự, tự hào với quyết tâm cao nhất, gửi tới bạn bè quốc tế lời chào ấn tượng của đất nước Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Bay trong biên đội gồm nhiều chiếc đòi hỏi công tác hiệp đồng phải bảo đảm độ chính xác tuyệt đối. Điều khiển tiêm kích chiến đấu đa năng SU-30MK2 bay với tốc độ siêu âm, áp lực trong mỗi chuyến bay lớn hơn rất nhiều, vì các phi công sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cảm giác, cảm nhận môi trường xung quanh. Những phi công vẫn được gọi với biệt danh “người nhà trời”, nhất là phi công lái SU-30MK2, đòi hỏi phải mắt tinh, tai thính hơn người thường gấp nhiều lần vì phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khắt khe, khắc nghiệt. Công tác huấn luyện vì vậy cũng bảo đảm giúp phi công đương đầu tốt hơn với những thử thách này như huấn luyện kỹ công tác hiệp đồng giữa hai buồng lái, phân công rõ trách nhiệm giữa các buồng, các số...

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024/trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024-bien-doi-ho-mang-chua-tai-trien-lam-806598