Triển vọng cây dược liệu ở Đức Xuân

Trong 4 năm qua, với sự hỗ trợ, đồng hành của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh; xã Đức Xuân (Bắc Quang) đã nhân rộng được 25 nhóm cùng sở thích (CIG) phát triển kinh tế. Trong đó, 3 nhóm CIG trồng cây dược liệu được kỳ vọng là hướng đi thoát nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Người dân thôn Xuân Đường chăm sóc cây Khôi đốm.

Người dân thôn Xuân Đường chăm sóc cây Khôi đốm.

Xã Đức Xuân có 505 hộ với 2.328 khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dao, Nùng cùng sinh sống. Với diện tích đất lâm nghiệp trên 4.000 ha và có nhiều loại cây bao phủ quanh năm; nên xã có tiềm năng, lợi thế để trồng cây dược liệu. Dựa vào những điều kiện thuận lợi đó, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm 5 loại cây như: Cà gai leo, Hà thủ ô đỏ, Giảo cổ lam, Sâm cau đen, Khôi đốm tại 3 thôn: Xuân Đường, Xuân Minh, Xuân Thượng. Đây là những cây được dùng trong bài thuốc điều trị bệnh đau dạ dày, tiểu đường, tim mạch, huyết áp. Qua quá trình sinh trưởng và phát triển cho thấy, các loại cây này ưa ẩm và bóng mát, thích nghi trồng ở dưới tán rừng, khe suối. So với những cây trồng khác lại rất dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, chi phí thấp nên phù hợp với khả năng đầu tư ban đầu của người dân.

Anh Triệu Vàn Vụi, Phó trưởng Nhóm CIG trồng cây Khôi đốm khu Khâu Đôn, thôn Xuân Đường cho biết: “Trước đây, hầu hết người dân trong thôn chỉ quen trồng rau Lá đắng chứ không ai biết đến cây Khôi đốm. Năm 2019, chúng tôi được Chương trình CPRP hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, cấp cây giống và tập huấn phương pháp, kỹ thuật trồng trọt; ngoài các thành viên trong nhóm, bà con lân cận cũng tích cực trồng cây dược liệu này và nhân rộng được 3 ha. Sang năm, người dân sẽ thu hoạch đợt đầu tiên, với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg; một lần trồng có thể khai thác kéo dài trong vòng 3 năm. Chúng tôi hy vọng, việc đưa cây Khôi đốm vào phát triển sẽ đem lại giá trị kinh tế cao, giúp các gia đình nâng cao thu nhập, vươn lên khá giả”.

Để người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với nghề trồng cây dược liệu, Công ty TNHH Sơn Trung du (Phú Thọ) đã ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định, lâu dài với quy mô tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác những lợi thế về tự nhiên, nguồn lực con người không những tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn mà còn nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, góp phần bảo vệ rừng.

Đồng chí Vũ Văn Mạnh, Trưởng Ban quản lý Chương trình CPRP, Chủ tịch UBND xã Đức Xuân cho biết: “Trong các loại cây dược liệu, cây Khôi đốm, Cà gai leo được đánh giá có triển vọng phát triển hơn. Thời gian qua, Công ty TNHH Sơn Trung du (Phú Thọ) đã mở xưởng chế biến dược liệu tại xã, dự kiến đầu năm 2020 đi vào sản xuất. Đây sẽ là “lối mở” giúp người dân trên địa bàn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng định hướng cho nhân dân mở rộng diện tích trồng dược liệu kết hợp với làm dịch vụ du lịch trải nghiệm để thu hút du khách, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với mảnh đất này”.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201912/trien-vong-cay-duoc-lieu-o-duc-xuan-753402/