Triển vọng của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Hai bên hiện nay đang tiếp tục tích cực thảo luận để đi đến thống nhất các điều khoản cụ thể trong thỏa thuận, dự kiến sẽ do hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình ký kết vào tháng 11 tại Chile.
Nguyên nhân dẫn đến “đình chiến”
Giai đoạn một của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được công bố trong bối cảnh lãnh đạo của cả hai quốc gia chịu áp lực chính trị và mối lo ngại kinh tế ngày càng lớn ở trong nước. Nhiều khúc mắc căn bản chưa được giải quyết khiến sự bền vững của thỏa thuận này vẫn còn là một câu hỏi mở.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực với chính quyền Bắc Kinh bằng cách nâng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc, từ đó yêu cầu đi đến một thỏa thuận thương mại toàn diện để giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan tới cách điều hành kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh cũng thực hiện các giải pháp trả đũa bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời nhất quán yêu cầu ông Trump gỡ bỏ toàn bộ thuế quan thì mới có hy vọng đạt được thỏa thuận.
Trước tình hình căng thẳng leo thang đó, kết quả cuộc đàm phán diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/10 cho thấy một số tín hiệu tích cực khi hai bên đã có một số nhượng bộ nhất định và đi đến thống nhất một số vấn đề về thương mại. Theo đó, Trung Quốc đồng ý mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ và thực hiện một số biện pháp mở cửa nền kinh tế trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ để đổi lại Mỹ không tăng thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/10 như kế hoạch ban đầu.
Hai bên hiện nay đang tiếp tục tích cực thảo luận để đi đến thống nhất các điều khoản cụ thể trong thỏa thuận, dự kiến sẽ do hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình ký kết vào tháng 11 tại Chile. Mới đây, vào ngày 19/10, Phó Thủ tướng kiêm trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc cho biết hai nước đã đạt những "tiến bộ đáng kể" trong đàm phán.
Thỏa thuận hòa hoãn này đã làm dịu đi cuộc thương chiến căng thẳng đang gây ra những thiệt hại ngày càng lớn cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đe dọa kéo tụt tăng trưởng toàn cầu. Quan trọng hơn, thỏa thuận này còn giúp cả Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình ứng phó những bất ổn trong nước.
Hiện nay, ông Tập Cận Bình đang phải lo giải quyết cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tháng trên đường phố Hong Kong cũng như giá thực phẩm tăng cao ở đại lục. Trong khi đó, Tổng thống Trump thì đang muốn định hướng dư luận đi xa khỏi vụ điều tra luận tội ông do Đảng Dân chủ thực hiện và sự liên quan của ông đối với Ukraine. Ngoài ra, cả hai nhà lãnh đạo đều liên tiếp đón nhận những tin kém vui về kinh tế khi cuộc chiến thương mại khiến cho hoạt động sản xuất và đầu tư tại 2 quốc gia đang gặp trục trặc.
Với những thống nhất đã đạt được trong cuộc họp vào tháng 10, một số ngành sản xuất tại 2 nước đang được hưởng lợi lớn. Theo thỏa thuận mới công bố, Trung Quốc sẽ mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ và mang lại lợi ích lớn cho ngành nông nghiệp của Mỹ. Về phía Trung Quốc, việc nhập khẩu nông sản từ Mỹ cũng phù hợp trong bối cảnh hiện tại khi giá thực phẩm tăng cao do dịch tả châu Phi hoành hành đang khiến nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm tại thị trường Trung Quốc.
Hy vọng mong manh
Mặc dù thỏa thuận thương mại mới được công bố có thể mang lại lợi ích cho một số ngành nhưng sẽ không đảo ngược được sự chia rẽ kinh tế sâu sắc giữa hai nước. Mỹ vẫn giữ nguyên toàn bộ thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc trong hơn một năm thương chiến vừa qua. Kế hoạch tăng thuế bắt đầu vào ngày 15/10 đã bị hủy bỏ nhưng kế hoạch tăng thuế vào ngày 15/12 thì vẫn còn đó.
Ngoài ra, các nhà đàm phán Mỹ đã bàn đến việc kiềm chế một số chính sách công nghiệp của Trung Quốc bị cho là gây hại cho doanh nghiệp Mỹ, chẳng hạn như trợ cấp quá lớn của chính phủ, cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ hoặc đánh cắp bí mật công nghệ. Thỏa thuận công bố mới đây chưa thể giải quyết được những vấn đề căn bản này và sẽ tiếp tục là trọng điểm đàm phán trong thời gian tới...
Các nhà đàm phán cho biết họ sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề còn lại sau khi giai đoạn một đã được chính thức ký kết. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ tiếp tục nhượng bộ trong đàm phán, đặc biệt là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải chuẩn bị cho kỳ họp Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng 10 này. Khi kỳ họp đang đến gần, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng tỏ ra quan tâm hơn tới nhiều vấn đề chính sách, bao gồm cả quan hệ Mỹ-Trung lẫn tình hình sức khỏe chung của nền kinh tế. Vì vậy không loại trừ khả năng ông Tập đồng ý với thỏa thuận thương mại vừa qua vì muốn ứng phó với kỳ họp quan trọng vào cuối tháng 10. Từ đây dẫn tới một rủi ro là sau khi kỳ họp này qua đi, thỏa thuận có thể sẽ đổ vỡ.
Trước đây Mỹ và Trung Quốc từng đạt được hai thỏa thuận "đình chiến", một tại Buenos Aires vào tháng 12/2018 và một tại Osaka vào tháng 6/2019. Thỏa thuận Buenos Aires kéo dài 5 tháng và thỏa thuận Osaka sụp đổ sau một tháng.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/trien-vong-cua-thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-94002.html