Triển vọng dòng tiền cổ tức cuối năm

Năm tài chính 2019 sắp kết thúc, nhiều nhà đầu tư chờ lời hứa cổ tức mà lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra trong đại hội đồng cổ đông đầu năm, gồm cả cổ tức năm 2018 và phần tạm ứng cổ tức 2019 theo thông lệ.

Giá một số mã cổ phiếu đã tăng theo kỳ vọng cổ tức, tuy nhiên xem xét thực trạng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp có thể thấy, không phải doanh nghiệp cứ hứa là dễ dàng trả được.

CTCP Tập đoàn CIENCO4 (mã C4G) dự kiến trả cổ tức 20% trong năm 2019, nhưng 9 tháng đầu năm nay, Công ty chỉ ghi nhận doanh thu 203,1 tỷ đồng và 54,1 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt giảm 31,2% doanh thu và giảm 17,3% lợi nhuận, bằng 45,13% kế hoạch doanh thu, 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Cơ cấu lợi nhuận gộp của C4G 9 tháng đầu năm gồm chủ yếu là thu phí BOT tăng tỷ trọng từ 49,57% lên 55,21%, nhưng hợp đồng xây dựng giảm tỷ trọng từ 46,9% về 31,42%; mảng cho thuê văn phòng và mặt bằng tăng từ 1,76% lên 7,23%, tương đương tốc độ tăng từng mảng lần lượt là 55,21%, -38,16% và 278,54%.

C4G đang khai thác nhiều dự án BOT về hạ tầng giao thông như dự án tuyến tránh TP. Vinh, dự án Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh, Dự án Quốc lộ 38 đoạn Yên Lệnh - Vực Vòng, Dự án Nghi Sơn - Cầu Giát, dự án Thái Nguyên - Chợ Mới Quốc lộ 3 mới;

Ngoài ra, Công ty còn cho thuê Tòa nhà CIENCO 4 Tower (180 Nguyễn Thị Minh Khai, HCM), dự án 116 Ðinh Tiên Hoàng, TP.HCM…

Tính tới hết quý III, C4G có 33,2 tỷ đồng tiền mặt và 180,9 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn, đủ thực hiện nghĩa vụ cổ tức.

Tuy nhiên, do mảng xây dựng đóng góp tỷ trọng cao vào hiệu quả của C4G, nên nếu hoạt động này chưa quay trở lại đà tăng trưởng thì việc giá cổ phiếu có phản ứng tích cực gần đây (tăng từ đáy gần nhất 5.200 đồng/cổ phiếu lên gần 6.000 đồng/cổ phiếu) nhờ kỳ vọng cổ tức, chỉ là phản ứng ngắn hạn, nhất là khi dòng cổ tức vẫn ở chế độ… chờ.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Ðầu tư Thăng Long (mã TIG), công ty này vừa chia 5% tiền mặt và dự kiến sẽ chia 10% cổ tức bằng tiền trong năm 2019.

Với thị giá 5.700 đồng/cổ phiếu, nếu TIG thực hiện đúng cam kết chia 10% thì đây là doanh nghiệp có tỷ lệ cổ tức/thị giá khá hấp dẫn.

Trong 9 tháng đầu năm, TIG ghi nhận doanh thu, lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 203,1 tỷ đồng, 32,2 tỷ đồng và 54,1 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 3,84%, -13,71% và 53,04% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế tích cực nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 44,3 tỷ đồng, cùng kỳ ghi nhận 15,6 tỷ đồng, tăng 184%. Tuy nhiên, hiện TIG chưa thuyết minh cụ thể nguồn gốc ghi nhận từ hoạt động nào.

Theo kế hoạch năm nay, TIG ghi nhận doanh thu từ 100 - 150 biệt thự tại dự án Vườn Vua Resort & Villas trong toàn bộ 300 căn biệt thự, nhà vườn với vốn đầu tư 1.190 tỷ đồng, đưa ra thị trường năm nay.

Dự án Ðại Mỗ Green Garden với vốn đầu tư 191,5 tỷ đồng gồm 46 căn nhà đất; dự án Tòa nhà hỗn hợp Viettronics - Hà Thành với tổng vốn đầu tư 883 tỷ đồng, diện tích 4.300 m3 bắt đầu triển khai 2019 - 2021; dự án Vân Trì Thăng Long diện tích 36 ha, sẽ khai thác 2019 - 2023 với vốn đầu tư 806 tỷ đồng; dự án Khu nhà ở lô 8.1 Mỹ Ðình, diện tích xây dựng 1.767 m2 mới giải phóng mặt bằng.

Mặc dù không có nhiều đột biến ở hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhưng nhờ vào kỳ vọng cổ tức/thị giá hấp dẫn cũng như tiềm năng khai thác quỹ đất, cổ phiếu TIG đã hút dòng tiền, thị giá tăng gấp đôi chỉ từ đầu tháng 10 đến nay.

Một số doanh nghiệp bất động sản đang được nhà đầu tư chờ đợi cổ tức như Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Ðô (HDG), Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển nhà Ðà Nẵng (NDN) và Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC)…

Ðây là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực 9 tháng đầu năm so với kế hoạch đặt ra, nhờ điểm rơi lợi nhuận vào đến thời điểm bàn giao dự án.

Tại HDG, 9 tháng đầu năm nay, Công ty hoàn thành 99,99% kế hoạch lợi nhuận và dự kiến sẽ bàn giao 4 block Iris 1, 2, 3 và 4 thuộc dự án Centrosa trong tháng 12/2019, ghi nhận lợi nhuận quý IV/2019 và quý I/2020.

Trong báo cáo quý III/2019, HDG không thuyết minh cụ thể từng khoản mục trong tồn kho và người mua trả tiền trước. Tuy nhiên, tồn kho hiện tại là 3.394,2 tỷ đồng, so với đầu năm 3.834,7 tỷ đồng.

Người mua trả tiền trước tăng mạnh từ đầu năm chỉ 1.934,5 tỷ đồng lên 3.571,2 tỷ đồng, các khoản tiền này chủ yếu từ người mua trả trước dự án Hado Centrosa Garden.

HDG hướng tới hai lĩnh vực chủ đạo là bất động sản và sản xuất điện. HDG có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền 30% và kỳ vọng sẽ có tạm ứng cổ tức năm 2019 sớm.

Tại NDN, Công ty chuẩn bị bàn giao dự án Monarchy-Block B và ghi nhận lợi nhuận quý IV/2019 và quý I/2020. Hiện tại, tồn kho dự án này là 590,2 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng tài sản, ở chiều đối ứng người mua dự án Monarchy Block B là 1.370,5 tỷ đồng, chiếm 63,8% nguồn vốn.

Nhờ bán hàng tốt NDN có tới 1.154,7 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 53,8% tổng tài sản. Ðây là cơ sở để duy trì cổ tức tiền mặt hấp dẫn là 16% trong năm 2019 và dự kiến sẽ tạm ứng vào cuối năm.

IJC là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực BOT quốc lộ 13 và dự án bất động sản, hoạt động BOT tạo dòng tiền ổn định. Tuy nhiên, kể từ Ðại hội đồng cổ đông vừa qua, khi IJC chia sẻ cổ tức tối thiểu 12%, đến nay đã có ngày chốt danh sách chia cổ tức, giá cổ phiếu tăng từ 11.000 đồng/cổ phiếu lên 16.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Cũng liên quan đến dòng cổ tức, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) là cái tên đáng chú ý.

Doanh nghiệp này hoạt động trong ngành nhiệt điện than, nhờ vào việc nhà máy đi vào vận hành một thời gian dài nên gần như khấu hao nhà máy đã gần hết, hoạt động sản xuất điện tạo dòng tiền đều giúp duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt hấp dẫn.

Trong 9 tháng đầu năm, PPC hoàn thành tới 121,28% kế hoạch lợi nhuận, kế hoạch chia cổ tức bằng tiền tối thiểu 20%.

PPC cũng là công ty thường trả cổ tức cao hơn kế hoạch. Nhờ vào hoạt động kinh doanh ổn định, cổ tức tiếp tục là câu chuyện được nhà đầu tư kỳ vọng giai đoạn cuối năm tại doanh nghiệp này.

Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDB) là một trong số ít ngân hàng thường chia cổ tức hấp dẫn nhà đầu tư. Năm 2018, HDB chia cổ tức 10% bằng tiền và 20% cổ phiếu nhưng vẫn chưa chốt danh sách chia. Ðây là thông tin nhiều nhà đầu tư chờ đợi.

Trong 9 tháng đầu năm nay, HDB ghi nhận 2.764 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 19,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 67,92% kế hoạch. Thị giá cổ phiếu HDB còn được hỗ trợ bởi thông tin mua cổ phiếu quỹ tối đa 5% vốn điều lệ.

Bên cạnh các doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp trong nhóm cổ phiếu sản xuất phân bón cũng từng có chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ngành cạnh tranh, liên tục tăng trưởng âm đã ảnh hưởng tiêu cực tới xu hướng của giá chứng khoán.

Với nhà đầu tư, chính sách cổ tức cao bằng tiền là một yếu tố hấp dẫn, là điều kiện cần hỗ trợ cho giá chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần quan tâm đến mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp có tăng trưởng ổn định không và khả năng doanh nghiệp thực trả có như kế hoạch hay không, trước khi quyết định rót vốn.

Vũ Duy Bắc (bacduyvu@gmail.com)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/trien-vong-dong-tien-co-tuc-cuoi-nam-304689.html