Triển vọng dự án trồng cây hương nhu

ĐBP - Mô hình 'Trồng cây dược liệu hương nhu, sản xuất tinh dầu, phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số' của HTX Quang Vinh P&T trên địa bàn xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) là một trong những dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản xuất cho người dân. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, dự án còn góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Xã viên Hợp tác xã Quang Vinh P&T chế biến tinh dầu hương nhu.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, cùng với lợi thế về cây hương nhu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, năm 2019 HTX Quang Vinh P&T được thành lập với 7 thành viên là người dân tộc thiểu số đã triển khai dự án “Trồng cây dược liệu hương nhu, sản xuất tinh dầu, phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số”.

Theo ông Phùng Văn Phương, thành viên sáng lập HTX Quang Vinh P&T, hương nhu là một loại cây dược liệu có mùi thơm rất dễ chịu, sống lâu năm, cao từ 1 - 2m. Cây có nhiều tác dụng như: Làm thuốc giải cảm, giảm đau tại chỗ, sát trùng, làm thuốc chữa đau răng… Nếu chăm sóc tốt, cây hương nhu từ khi trồng đến khi thu hoạch là 3 tháng và có thể cho thu hoạch từ 3 - 5 vụ/năm và thu hoạch liên tục từ 3 - 4 năm với năng suất bình quân đạt 40 - 60 tấn/ha/năm. Với chi phí ban đầu trồng 1ha hương nhu khoảng 40 triệu đồng thì ngay trong năm đầu tiên thu hoạch, sau khi trừ chi phí người dân đã có lãi. Những năm sau không phải tốn chi phí kiến thiết cơ bản thì phần lãi ròng của người dân còn cao hơn.

Là mô hình mới nên để các hộ dân tham gia yên tâm sản xuất, HTX cung cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Sau một năm triển khai thực hiện, dự án bước đầu có hiệu quả kinh tế nên đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia. Ðến nay, HTX đã liên kết với 21 hộ tham gia trồng, cung cấp nguyên liệu lá, hoa và cành hương nhu cho HTX với giá thu mua dao động từ 1 - 2 nghìn đồng/kg tươi. Với mức giá này, bình quân 1ha hương nhu cho thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên. Bằng phương pháp chưng cất truyền thống, nguyên liệu được đưa vào nồi đun bằng củi than hoặc điện rồi ngưng tụ tách tinh dầu nguyên chất qua hỗn hợp thành phẩm bay hơi, trung bình 1 tấn nguyên liệu, qua chưng cất thu được từ 3 - 5kg tinh dầu hương nhu. Với giá thành 1 triệu đồng/1 lít và 70 nghìn đồng cho mỗi lọ có dung tích 10ml. Hiện nay, sản phẩm tinh dầu hương nhu của HTX phân phối cho các công ty dược liệu, cơ sở kinh doanh tinh dầu, cơ sở chăm sóc cơ thể ngoài địa bàn tỉnh; HTX cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 1 đơn vị kinh doanh tại Hà Nội, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Nhận thấy đây là loại cây dễ trồng không phải chăm sóc cầu kỳ lại có thể cho thu hoạch liên tục, có giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều loại giống cây trồng ngắn ngày khác nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã Na Son tham gia góp đất trồng. Là người chuyển đổi từ trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng cây hương nhu, bà Quàng Thị Anh, bản Na Phát, xã Na Son cho biết: Tham gia trồng hương nhu được HTX hỗ trợ cây giống, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch nên gia đình đã trồng cây hương nhu trên diện tích 2ha. So với các loại cây hoa màu khác như ngô, sắn, lúa nương… thì trồng hương nhu ít tốn công chăm sóc, lại cho thu hoạch liên tục nhiều vụ trong năm nên giá trị kinh tế cao hơn hẳn.

Ðánh giá về hiệu quả cũng như tác động xã hội của dự án này, ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Mô hình sản xuất của HTX Quang Vinh P&T đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh hàng hóa đồng thời giúp bà con chuyển hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từng bước thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Dự án tạo ra các sản phẩm đặc trưng vùng miền, tăng hệ số sử dụng đất; đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng dược liệu của thị trường. Mô hình liên kết sản xuất cũng sẽ mở ra hướng đi mới cho nông dân huyện trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðây là sản phẩm tiềm năng, lợi thế của địa phương để thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện nay sản phẩm đang trong quá trình xét công nhận sản phẩm OCOP địa phương.

Ðược biết, HTX Quang Vinh P&T dự kiến tiếp tục liên kết với nông dân mở rộng diện tích trồng cây hương nhu để đáp ứng nhu cầu thị trường; phấn đấu đến năm 2021 phát triển vùng nguyên liệu với quy mô trên 50ha, sản lượng đạt 2.000 tấn/năm.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/182972/trien-vong-du-an-trong-cay-huong-nhu