Triển vọng Fed hạ lãi suất tiếp sức cho các thị trường châu Á

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch sáng 1/8, theo đà phục hồi mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ, trong khi triển vọng nới lỏng chính sách sắp tới ở Mỹ đã thúc đẩy các thị trường trái phiếu và hàng hóa toàn cầu.

Bảng chỉ số chứng khoán tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Bảng chỉ số chứng khoán tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất nhưng mở ra khả năng cắt giảm vào tháng Chín. Điều này khiến thị trường dự đoán 60% khả năng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể cắt giảm lãi suất trong ngày 1/8.

Sau quyết định nói trên, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,7%, sau khi kết thúc tháng Bảy gần như đi ngang.

Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 3% do đồng yen tăng giá khiến triển vọng của các nhà xuất khẩu của nước này trở nên ảm đạm. Đồng yen tiếp tục đà tăng mạnh, tăng thêm 0,8% lên mức cao nhất bốn tháng rưỡi là 148,82 yen đổi 1 USD, sau khi tăng vọt 1,8% phiên trước. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tăng lãi suất lần thứ hai trong 17 năm vào ngày 31/7 và báo hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách hơn nữa.

Bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng các nhà hoạch định chính sách đã có một "cuộc thảo luận thực sự" về việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Bảy đang hỗ trợ đà phục hồi trên toàn cầu của các loại tài sản có độ rủi ro cao.

Thị trường giờ đây đặt cược rằng Fed chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín, với xác suất cho mức giảm 0,5 điểm phần trăm là 10%. Các nhà phân tích tại TD Securities còn cho rằng Fed có thể nới lỏng chính sách tại cả ba cuộc họp còn lại trong năm 2024 nếu lạm phát tiếp tục giảm tốt hơn dự đoán.

Phiên này, trái phiếu chính phủ của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ quý đầu tiên của năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 0,02 điểm phần trăm lên 4,037%.

Sự suy yếu của đồng USD trước đà khởi sắc của đồng yen đã kéo giảm giá trị của “đồng bạc xanh” so với một loạt các đồng tiền khác. Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của đồng tiền này so với rổ các đồng tiền chủ chốt giảm 0,2% xuống 103,87 trong phiên này.

Đồng USD suy yếu đã tạo động lực để giá dầu nối dài đà tăng tại châu Á trong phiên này. Vào đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 67 xu Mỹ, tương đương 0,8%, lên 81,51 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) của Mỹ tăng 69 xu Mỹ, tương đương 0,9%, lên 78,60 USD/thùng.

Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu từ các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác. Bên cạnh đó, những diễn biến leo thang căng thẳng tại Trung Đông và dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mạnh mẽ ở Mỹ cũng hỗ trợ đà tăng của giá “vàng đen”.

Số liệu mới đây từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ đã đẩy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/7 xuống còn 433 triệu thùng, đánh dấu năm tuần giảm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 1/2021.

Trong khi đó, giá vàng tăng 0,4% lên 2.456,59 USD/ounce.

Khánh Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/trien-vong-fed-ha-lai-suat-tiep-suc-cho-cac-thi-truong-chau-a-20240801100245300.htm