Triển vọng giống lúa AG1

'Giống AG1 hay còn gọi là giống An Giang 1 được lai tạo từ giống lúa OM 6932 và giống HD1. Đây là giống có nhiều triển vọng bởi ưu điểm cho năng suất cao, ngắn ngày, cứng cây; kháng bệnh cháy lá, chịu phèn, mặn, phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay' - PGS.TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ.

Nông dân sản xuất giỏi Trần Thanh Tùng (bên trái), đồng tác giả của Chương trình lai chọn giống lúa vui mừng khi giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho sản xuất thử

Thích ứng

Giống lúa AG1 do nông dân Trần Thanh Hùng (nông dân xã Núi Voi, Tịnh Biên) cùng PGS.TS Huỳnh Quang Tín nghiên cứu lai chọn. Đây là một hợp phần của Dự án “Hỗ trợ công nhận và phát triển sản xuất giống lúa cộng đồng” do PGS.TS Huỳnh Quang Tín thực hiện. Dự án đã thực hiện 55 tháng (tháng 1-2015 _ 12-2017) và gia hạn đến tháng 7-2019 kết thúc. Kinh phí hỗ trợ dự án từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ; kinh phí đối ứng dự án từ nguồn xã hội hóa và nhóm tác giả các giống lúa tham gia dự án.

Mục tiêu chung của dự án là “Hỗ trợ công nhận và phát triển sản xuất giống lúa cộng đồng”, nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho các giống lúa do nông dân và cán bộ kỹ thuật lai chọn, đồng thời triển khai các thủ tục cần thiết cho việc công nhận giống lúa mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất lúa, gạo đặc sản xuất khẩu ở tỉnh An Giang từ nay đến những năm tiếp theo. “Mục tiêu cụ thể của dự án là nâng cao năng lực cho 20 nông dân chọn giống của tỉnh. Dự án trang bị cho họ kỹ năng về lai chọn, đánh giá, khảo nghiệm, công nhận, sản xuất thử và sản xuất hạt giống chất lượng, kiểm định, qua đó tăng cường cơ sở khoa học cho 7 giống lúa triển vọng do nông dân và cán bộ kỹ thuật ở An Giang lai chọn” - PGS.TS Huỳnh Quang Tín chia sẻ. “Qua nhiều năm lai chọn, tôi thấy giống lúa AG1 rất thích hợp cho quá trình sản xuất của nông dân. Đây là giống lúa nhiều triển vọng trên phương diện kỹ thuật lẫn thị trường, bởi đây là giống cho năng suất cao qua mỗi mùa vụ. Đặc tính giống là ngắn ngày, cứng cây; giống kháng được bệnh cháy lá và trồng được trong vùng đất phèn và mặn” - ông Trần Thanh Hùng (xã Núi Voi, Tịnh Biên) đồng tác giả giống lúa AG1 chia sẻ.

Thị trường

Giống AG1 được lai chọn từ giống lúa OM 6932 và giống HD1. Giống AG1 có triển vọng trên phương diện thương mại giống lúa lẫn phương diện gạo xuất khẩu. Gạo được xay ra từ giống lúa này có hạt trong, độ dài đạt chuẩn xuất khẩu. Đây là loại gạo xốp nở, mềm cơm, có mùi thơm nhẹ. Hiện nay, giống AG1 đã được Cục Trồng trọt công nhận và cho sản xuất thử nghiệm tại khu vực ĐBSCL. Trong mùa vụ vừa qua, tại An Giang, nông dân các huyện: Châu Phú, Tịnh Biên, Thoại Sơn và Tri Tôn đã triển khai trồng và cho kết quả rất bất ngờ. Ngoài An Giang, các tỉnh: Trà Vinh, Bạc Liêu Tiền Giang, Long An, nông dân cũng triển khai trồng nhiều. “Thị hiếu tiêu dùng của người dân từ thành thị đến nông thôn hiện nay là chọn ăn những loại gạo hạt dài, có độ trong, bóng và đẹp. Gạo sau khi nấu có mùi thơm nhẹ; cơm có độ mềm và hơi dẻo. Những đặc tính này đều có ở giống lúa AG1. Từ đó, 2 vụ vừa qua, thương lái chúng tôi đã tìm mua giống lúa, xay thành gạo để xuất khẩu. Song, hiện nay giống này mới chỉ trồng trong giai đoạn thử nghiệm. Chúng tôi mong giống này sớm được đưa ra sản xuất đại trà để tham gia xuất khẩu” - chị Phan Thị Kiều Hạnh (thương lái xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) chia sẻ.

Thời gian qua, nhìn thấy triển vọng của giống lúa này, Công ty TNHH Giống cây trồng Vĩnh Quý (ấp Vĩnh Quý, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) đã nhận chuyển giao, tiến hành trồng thử nghiệm để có giống lúa nhân rộng ra cộng đồng. Vụ đông xuân vừa qua, giống này cho năng suất gần 9 tấn/ha, đạt yêu cầu đối với những nông dân chuyên làm giống. “Chúng tôi nhận chuyển giao giống lúa này để đưa vào sản xuất thử là bởi rất phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Cụ thể, vụ vừa qua, tuy thời tiết thất thường nhưng do giống cứng cây, kháng được bệnh cháy lá nên chi phí sản xuất thấp, hiệu quả cao, từ đó hiệu quả trên mỗi mùa vụ của nông dân được nâng lên đáng kể” - ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Vĩnh Quý, chia sẻ.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt trên 6,2 triệu tấn, thu về trên 2,7 tỷ USD. Thành tích này có sự đóng góp đáng kể của các nhà khoa học, những nông dân lai chọn giống lúa. Chương trình xã hội hóa công tác giống đã lai chọn được những giống lúa cho năng suất, chất lượng gạo ngon, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ là quốc gia hàng đầu thế giới trong xuất khẩu gạo ở phân khúc cấp cao và giống AG1 sẽ là một trong những giống được lựa chọn trồng để xuất khẩu.

“Những năm qua, nhờ Chương trình xã hội hóa công tác giống trên địa bàn An Giang, nông dân tham gia vào chương trình này đã nghiên cứu, lai chọn ra được nhiều giống lúa có triển vọng cao, trong đó có giống AG1. Chương trình xã hội hóa công tác giống đã giúp cho tỉnh có đủ lượng giống gieo sạ hàng năm, số giống làm ra còn được chia sẻ cho nông dân khắp các tỉnh ĐBSCL, góp phần làm cho chất lượng gạo xuất khẩu của tỉnh những năm gần đây được nâng lên đáng kể…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Sĩ Lâm nhận xét.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/trien-vong-giong-lua-ag1-a261800.html