Triển vọng hiện thực hóa Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi

Trang dailymaverick.co.za ngày 8/12 đăng bài phân tích về những tiến bộ quan trọng đạt được nhằm thực thi Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) vào ngày 1/1/2021.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: TTXVN

Theo bài viết, Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Hội đồng các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ Liên minh châu Phi (AU - cơ quan có thẩm quyền cao nhất) đã đưa ra tối hậu thư cho những nước chưa sẵn sàng giao dịch trong khuôn khổ Hiệp định AfCFTA, với thời hạn phê chuẩn hiệp định và đệ trình các đề nghị thuế quan trước ngày 30/6/2021.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế quan trọng nhất của châu Phi, trong đó có Nam Phi, sẽ bắt đầu giao dịch hàng hóa miễn thuế trong khuôn khổ nội khối từ ngày 1/1/2021, khi hiệp định vốn được trông đợi từ lâu AfCFTA bắt đầu giai đoạn thực thi.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi (DTIC) Ebrahim Patel cho rằng thỏa thuận này sẽ là động lực quan trọng cho các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy sản xuất ở châu Phi vì lục địa này sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất một thị trường lớn hơn nhiều so với bất kỳ nước nào trong số 54 quốc gia riêng lẻ của châu Phi.

Bộ trưởng Patel kỳ vọng rằng ngoài Nam Phi, hầu hết các nước lớn khác của châu Phi sẽ nằm trong số những nền kinh tế đầu tiên mở cửa thị trường vào ngày lịch sử đó.

Dưới sự chủ trì của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch AU 2020, Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ AU đã họp phiên bất thường, trực tuyến ngày 5/12/2020 để chuẩn bị cho giao dịch tự do “có ý nghĩa thương mại” bắt đầu vào ngày 1/1 tới trong khuôn khổ AfCFTA.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng AfCFTA sẽ thúc đẩy thương mại nội khối, thúc đẩy công nghiệp hóa, khả năng cạnh tranh và góp phần tạo việc làm, đồng thời hiệp định sẽ mở ra các chuỗi giá trị khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập có ý nghĩa của châu Phi vào nền kinh tế toàn cầu.

AfCFTA cũng sẽ cải thiện triển vọng của châu Phi như một điểm đến đầu tư hấp dẫn và giúp tăng cường trao quyền và tự do cho phụ nữ châu Phi, bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội thương mại.

Theo dự kiến trước đó của Liên minh châu Phi, AfCFTA bắt đầu giai đoạn thực thi từ ngày 1/7 vừa qua, nhưng đại dịch COVID-19 làm đình trệ các cuộc đàm phán và AU ấn định thời hạn mới cho việc thực thi hiệp định từ ngày 1/1/2021.

Ban thư ký AfCFTA – do đại diện của Nam Phi Wamkele Mene đứng đầu – đã tạo ra một nền tảng trực tuyến đặc biệt an toàn để các nước thương lượng về các nhượng bộ thuế quan và các quy tắc xuất xứ quan trọng.

Bộ trưởng DTIC Patel giải thích rằng các cuộc đàm phán này cơ bản đã hoàn thành và cho phép một số giao dịch bắt đầu vào ngày 1/1 tới đối với những sản phẩm mà các quốc gia thành viên đã đồng thuận về quy tắc xuất xứ và các quốc gia phê chuẩn AfCFTA đã đệ trình đề nghị giảm thuế. Hiệp ước bắt buộc các quốc gia thành viên xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 90% hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia AfCFTA khác.

Hàng hóa xuất khẩu tại cảng biển Durban, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng - P/v TTXVN tại Nam Phi

Hàng hóa xuất khẩu tại cảng biển Durban, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng - P/v TTXVN tại Nam Phi

Cho đến nay, tất cả các nước châu Phi, trừ Eritrea, đã ký kết AfCFTA và 34 quốc gia đã phê chuẩn hiệp định. Tuy nhiên, trước Hội nghị thượng đỉnh bất thường ngày 5/12 vừa qua, chỉ có 10 quốc gia đã phê chuẩn AfCFTA và gửi đề xuất thuế quan gồm Chad, Cộng hòa Congo, Ai Cập, Guinea Xích đạo, Eswatini, Gabon, Mauritius, Namibia, Sao Tome & Principe và Nam Phi.

Bộ trưởng Patel cho rằng con số này dường như đang tăng nhanh, bởi Hội nghị thượng đỉnh ngày 5/12 đã tạo ra động lực cho các nền kinh tế lớn khác kịp thời tham gia vào ngày 1/1 hoặc ngay sau đó.

Nền kinh tế lớn nhất châu Phi Nigeria, ban đầu miễn cưỡng tham gia AfCFTA, đã thông báo cho AU vào buổi sáng của Hội nghị thượng đỉnh rằng Nigeria đã phê chuẩn hiệp định. Điều đó có nghĩa là các nền kinh tế lớn nhất đều đã phê chuẩn hiệp định, gồm Ai Cập, Nam Phi, Nigeria, Ghana... Bộ trưởng Patel đánh giá Nigeria đã đẩy nhanh tất cả các quá trình liên quan và sẽ sớm đệ trình các đề nghị thuế quan. Những kỳ vọng cũng hướng tới nhiều nước lớn như Kenya, Uganda, Rwanda, Algeria…

Đại diện của Nam Phi cho rằng Morocco, nền kinh tế lớn khác của châu Phi, vốn chưa phê chuẩn AfCFTA, sẽ nhanh chóng phê chuẩn hiệp định bởi thời điểm thực thi thỏa thuận quan trọng này đã được ấn định.

Các bộ trưởng Thương mại AfCFTA đã đệ trình quy tắc xuất xứ đối với 81% các dòng thuế lên Hội đồng các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ AU và đã được thông qua; đây là cơ sở để các các quốc gia đưa ra các đề nghị thuế quan của nước mình.

Đề nghị thuế quan được Nam Phi đưa ra trong khuôn khổ AfCFTA vẫn cần Botswana phê chuẩn, bởi Botswana, cùng với Lesotho, Namibia, Eswatini và Nam Phi, là các thành viên của Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi (SACU), nghĩa là bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào của một thành viên đều cần sự phê chuẩn của tất cả thành viên SACU. Botswana cho biết nước này đang trong quá trình cân nhắc đề nghị thuế quan chung của SACU.

Ban thư ký AfCFTA cũng đã nhận được đề nghị từ Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và từ Cộng đồng Đông Phi (EAC); về cơ bản, tất cả các liên minh thuế quan hiện đã đưa ra đề nghị.

Các nước thành viên AfCFTA cũng tích cực chuẩn bị hệ thống hậu cần vận chuyển để đảm bảo luồng hàng hóa lưu thông trôi chảy.Đại diện của Nam Phi cho rằng tất nhiên sẽ có những trục trặc và thử thách song ít nhất khung pháp lý hiện đã được phân tích và tất cả các bước quan trọng cần thiết đã hoàn thành.Đó là một khuôn khổ pháp lý cho phép một thị trường đủ lớn để các nhà đầu tư muốn mở nhà máy của riêng họ ở châu Phi thay vì ở châu Á, châu Âu hoặc châu Mỹ.

Châu Âu phải mất nhiều thập kỷ để hình thành một khối thương mại duy nhất gồm 27 thành viên. Do đó, sẽ có thêm các quốc gia tham gia sau khi AfCFTA bắt đầu thực thi và các quốc gia vẫn có quyền gửi đề nghị nhượng bộ thuế quan cho đến cuối tháng 6/2021.

Lục địa châu Phi chiếm 17% dân số thế giới song chỉ đóng góp 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Một trong những hạn chế lớn để nâng cao sản lượng là quy mô thị trường địa phương nhỏ. Do đó, AfCFTA tạo ra sự khởi đầu của khung pháp lý cho nền kinh tế theo quy mô.

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh ấn định thời hạn hoàn tất các cuộc đàm phán về quy tắc xuất xứ cho 19% số dòng thuế còn lại. Các quy tắc xuất xứ đóng vai trò rất quan trọng trong bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào, bởi vì chúng quy định mức độ một sản phẩm cụ thể phải được sản xuất trong khu vực thương mại tự do để sản phẩm đó đủ điều kiện giao dịch miễn thuế trong khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh cũng thống nhất ngày 30/6/2021 là thời hạn cuối cùng để các nước đệ trình đề nghị tự do hóa thương mại trong 5 lĩnh vực dịch vụ chính, gồm dịch vụ kinh doanh, truyền thông, tài chính, du lịch và vận tải.

Thời hạn để các nước thành viên AfCFTA đệ trình các đề nghị trong 7 lĩnh vực dịch vụ còn lại là ngày 31/12/2021 và dành ưu tiên tự do hóa các lĩnh vực dịch vụ y tế và giáo dục do những nhu cầu bức thiết do đại dịch COVID-19 gây ra./.

Đình Lượng (TTXVN tại Pretoria)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trien-vong-hien-thuc-hoa-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-luc-dia-chau-phi/180394.html