Triển vọng kinh tế bất ổn, hoạt động nhà máy toàn cầu suy yếu

Hoạt động của các nhà máy trên toàn cầu chùng xuống trong tháng Chín vừa qua do nhu cầu suy yếu và triển vọng kinh tế không chắc chắn.

Công nhân làm việc ở một dây chuyền lắp ráp ô tô trong nhà máy của hãng xe Volkswagen tại Zwickau, Đức. Ảnh: Getty Images

Công nhân làm việc ở một dây chuyền lắp ráp ô tô trong nhà máy của hãng xe Volkswagen tại Zwickau, Đức. Ảnh: Getty Images

Trong tháng trước, dù các nhà máy hạ giá bán sản phẩm nhưng hoạt động sản xuất khắp khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) giảm với tốc độ mạnh nhất trong năm nay. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của eurozone, do ngân hàng thương mại Hamburg (Đức) và S&P Global khảo sát, giảm còn 45 điểm trong tháng Chín, xuống sâu dưới mốc 50 điểm, ngưỡng phân chia giữa mở rộng và thu hẹp.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ghi nhận các điều kiện sản xuất tồi tệ nhất trong 12 tháng qua. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Đức giảm xuống 40,6 điểm trong tháng Chín từ mức 42,4 điểm trong tháng Tám, đánh dấu mức thấp nhất trong 12 tháng.

Số lượng đơn hàng mới của các nhà máy ở Đức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10-2023. Điều này phản ảnh sự bất ổn của thị trường và sự dè dặt trong đầu tư cũng như và sự yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Hồi đầu tháng Chín, hãng xe Volkswagen tuyên bố đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy ở Đức để cắt giảm chi phí trước áp lực cạnh tranh đến từ các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc.

“Sự phục hồi sản xuất của khu vực eurozone được kỳ vọng đầu năm 2024 hóa ra lại khá ảm đạm. Niềm tin vẫn còn phần nào yếu ớt và lĩnh vực sản xuất vẫn còn rất yếu", Natasha May, nhà phân tích JPMorgan Asset Management nói.

Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng thương mại Hamburg (Đức) dự báo, sản lượng công nghiệp của eurozone trong quí 3 có thể giảm khoảng 1% so với quí trước đó.

“Với số lượng đơn hàng giảm nhanh chóng, chúng ta có thể chứng kiến một đợt giảm sản lượng công nghiệp khác của eurzone vào cuối năm”, ông nói và lưu ý, hoạt động sản xuất suy yếu nhanh của Đức càng thổi bùng cuộc luận xung quanh quá trình phi công nghiệp hóa ở nước này. Với tình trạng đơn hàng sụt giảm ở mức đáng báo động, ngành sản xuất của Đức khó phục hồi sớm.

Giá dầu thô giảm giúp giảm chi phí đầu vào của ngành sản xuất trong khu vực. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang ở Trung Đông đang đẩy giá dầu tăng, khiến chi phí có thể tăng trở lại.

Tại Mỹ, theo dữ liệu mới công bố của Viện quản lý cung ứng (ISM), chỉ số PMI ngành sản xuất tiếp tục thu hẹp trong tháng trước ở mức 47,2 điểm, ngang bằng với tốc độ suy giảm trong tháng Tám. Hai mươi hai trong 23 tháng gần nhất, chỉ số PMI ngành sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới nằm dưới ngưỡng 50 điểm

Trong tháng Chín, chỉ số đơn đặt hàng mới của các nhà máy tiếp tục thu hẹp ở mức 46,1 điểm. Điểm sáng là chỉ số sản lượng tăng 5% lên 49,8 điểm. Tuy nhiên, chỉ số sử dụng lao động của ngành sản xuất suy yếu thêm trong tháng trước, báo hiệu hoạt động của các nhà máy thu hẹp nhanh hơn trong thời gian tới.

Tại châu Á, ngành sản xuất cũng suy yếu do nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc và triển vọng bất ổn của kinh tế toàn cầu. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Nhật Bản do ngân hàng Jibun khảo sát, giảm xuống 49,6 điểm từ 49,8 điểm trong tháng Tám. Chỉ số này đã nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong 3 tháng liên tiếp.

Niềm tin của các nhà sản xuất cũng suy yếu với chỉ số kỳ vọng sản lượng giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 12-2022. Tại Đài Loan, chỉ số PMI ngành sản xuất mở rộng với tốc độ chậm lại. Trong khi đó, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng trước tăng chậm lại ở mức 7,3%, so với mức 11,2% của tháng Tám. Tại Trung Quốc, chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng Chín, do Caixin/S&P Global khảo sát, giảm xuống 49,3 điểm, từ 50,4 điểm trong tháng Tám.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều suy giảm trong tháng trước. Hoạt động sản xuất của Ấn Độ suy yếu về mức thấp nhất trong tám tháng khi lượng đơn hàng mới trong tháng Chín tăng yếu nhất kể từ tháng 12-2023.

“Tăng trưởng yếu hơn về số lượng đơn đặt hàng mới là yếu tố chính đè nặng lên hoạt động sản xuất ở khu vực châu Á trong tháng trước. Chúng tôi cho rằng, nhu cầu toàn cầu sẽ tiếp tục yếu, gây áp lực lên hoạt động sản xuất ở châu Á trong thời gian tới”, Shivaan Tandon, chuyên gia kinh tế thị trường của Capital Economics nói.

Dù vậy, các nhà máy sản ở châu Á có thể nhận được một số hỗ trợ trong những tháng tới nhờ gói kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc công bố gần đây. Trong đó, có việc giảm lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng.

Theo Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trien-vong-kinh-te-bat-on-hoat-dong-nha-may-toan-cau-suy-yeu/