Triển vọng kinh tế bền vững ở Đồng Văn

Những năm gần đây, dưới sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân trên địa bàn huyện Đồng Văn đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại vừa và nhỏ. Từ đó, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, hạn chế rủi ro do dịch bệnh mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi của huyện phát triển bền vững.

Gia trại nuôi lợn sinh sản của gia đình anh Dinh Mí Cho, thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gia trại nuôi lợn sinh sản của gia đình anh Dinh Mí Cho, thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Được sự khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã Lũng Táo, gia đình anh Dinh Mí Cho, thôn Sà Lủng đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại kiên cố, nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm. Gia trại của gia đình anh luôn duy trì 15 lợn nái, trên 50 lợn thương phẩm, hàng tháng đều cho xuất bán trên 30 lợn con. Trừ chi phí, hàng năm gia đình anh có thu nhập từ 600-700 triệu đồng. Đây là thu nhập đáng mơ ước của hàng nghìn hộ dân trên vùng Cao nguyên đá, cũng là động lực để bà con học tập, vươn lên phát triển kinh tế. Anh Cho chia sẻ: Nhờ sự định hướng và giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương nên gia đình đã tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Bà con trong thôn hiện nay cũng đã chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mở các gia trại vừa và nhỏ, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình; bước đầu có thu nhập ổn định.

Chăn nuôi bò vỗ béo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhiều năm qua cho gia đình anh Dinh Mí Chứ, thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo. Duy trì đàn bò vỗ béo khoảng 15-16 con, nhờ có kinh nghiệm lâu năm, anh Chứ luôn biết chọn những con bò khỏe mạnh, có những con giá trị cả trăm triệu đồng. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình anh Chứ có thu nhập 400-500 triệu đồng, cuộc sống ổn định, khấm khá hơn rất nhiều.

Theo số liệu thống kê của phòng chuyên môn, hiện, trên địa bàn huyện có 96 gia trại chăn nuôi. Trong đó, 17 gia trại chăn nuôi bò từ 15 con; 46 gia trại nuôi lợn từ 20 con trở lên; 24 gia trại gia cầm trên 500 con. Các gia trại quy mô lớn tập trung tại các xã như Lũng Cú, Lũng Táo, thị trấn Đồng Văn. Nhiều gia trại quy mô lớn như gia trại nuôi gà với quy mô 1.000 con của anh Vàng Dỉ Tuyến, xã Lũng Cú; gia trại nuôi lợn với quy mô 70 con của gia đình chị Hoàng Thị Thanh Bình, thôn Tráng Phúng A, xã Phố Cáo... Năm 2021, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển cả về số lượng và chất lượng các gia trại. Cụ thể, trong năm phát triển thêm 19 gia trại, tập trung vào các vật nuôi thế mạnh, như: Bò, lợn, dê, gà, chim bồ câu.

Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc phát triển chăn nuôi tập trung không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên năng suất, chất lượng được nâng cao. Để phát triển các mô hình chăn nuôi, ngoài sự chủ động của người dân, các cấp, ngành chức năng ở huyện đã có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, như: Tạo điều kiện cho người dân vay vốn; quan tâm đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững.

Bài, ảnh: My Ly

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202104/trien-vong-kinh-te-ben-vung-o-dong-van-774168/