Triển vọng mô hình nuôi dúi ở Sốp Cộp

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Sốp Cộp đã mạnh dạn đầu tư phát mô hình nuôi dúi sinh sản và thương phẩm. Bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Quàng Văn Khánh, bản Khá Nghịu, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp.

Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Quàng Văn Khánh, bản Khá Nghịu, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp.

Tham quan mô hình nuôi dúi của gia đình anh Quàng Văn Khánh, bản Khá Nghịu, xã Púng Bánh. Được biết, năm 2021, qua 1 lần tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sốp Cộp tổ chức, anh biết đến mô hình nuôi dúi của một số nông dân trong huyện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau chuyến tham quan, anh Khánh về đầu tư xây dựng chuồng nuôi làm bằng gạch men, có thêm nắp ngăn trên từng ô chuồng nuôi tránh để dúi bò ra ngoài. Đồng thời, che chắn ở mức độ phù hợp để tạo độ mát, giống như môi trường hang dúi sống tự nhiên ở dưới lòng đất. Các chuồng nuôi được anh thiết kế cách mặt đất khoảng 10 cm để thuận tiện cho việc vệ sinh.

Chuồng nuôi dúi được xây bằng gạch men tránh dúi phá chuồng ra ngoài.

Chuồng nuôi dúi được xây bằng gạch men tránh dúi phá chuồng ra ngoài.

Chia sẻ về nghề nuôi dúi, anh Khánh cho biết: Kỹ thuật nuôi dúi không khó, nhưng để nuôi dúi sinh sản, đạt tỷ lệ sống cao thì người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 4 con. Những con dúi thương phẩm sau 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,5 - 3 kg, giá thị trường giao động từ 500.000 đến 700.000 đồng/kg. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi trên 200 cặp dúi sinh sản và 500 con dúi thương phẩm, gồm 2 loại giống dúi mốc và dúi má đào, mỗi năm thu về từ 250 - 300 triệu đồng.

Nông dân xã Sốp Cộp chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi sinh sản.

Nông dân xã Sốp Cộp chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi sinh sản.

Mô hình nuôi dúi cũng đang phát triển ở xã Sốp Cộp. Hiện nay, có 6 hộ nuôi từ 100 - 500 con dúi. Điển hình như mô hình nuôi dúi thương phẩm của anh Quàng Văn Nam, bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp. Năm 2020, anh bắt đầu nuôi dúi mốc với số vốn đầu tư 200 triệu đồng, xây dựng trại nuôi có diện tích 150 m2, duy trì số lượng từ 400 - 500 con dúi, trong đó, có hơn 100 đôi bố mẹ, còn lại là dúi con và dúi thương phẩm. Tuy nhiên, do thị trường dúi giống trong huyện đang hiếm, nhu cầu người nuôi lại cao, nên anh đã chuyển hướng sang nuôi dúi sinh sản, dúi giống từ 2 tháng tuổi, trọng lượng từ 0,3 kg - 0,5 kg, có giá bán từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng/đôi.

Anh Nam thông tin: Ngoài phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi dúi, tôi còn mở quán ăn, trong đó có chế biến các món ăn đặc sản từ dúi. Tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên có thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Dúi thương phẩm có trọng lượng đến 4,5 kg.

Dúi thương phẩm có trọng lượng đến 4,5 kg.

Hiện nay, nghề nuôi dúi tập trung nhiều ở các xã Sốp Cộp, Púng Bánh và bắt đầu mở rộng tới các xã Mường Lèo, Sam Kha. Các mô hình này chủ yếu do nhân dân tự đầu tư với quy mô vừa phải, từ 100-600 con; kỹ thuật chăm sóc đàn dúi chủ yếu qua học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc kinh nghiệm truyền miệng của các hộ nuôi trước.

Ông Lò Văn Thái, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Sốp Cộp, cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế, bên cạnh việc duy trì và phát triển đàn vật nuôi truyền thống, huyện đã chỉ đạo các xã tích cực vận động nhân dân xây dựng một số mô hình sản xuất mới. Thực tế cho thấy, dúi là vật nuôi phù hợp với điều kiện, khí hậu ở địa phương; thức ăn, chăm sóc phù hợp với điều kiện của nông dân.

Trong năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức 2 buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc dúi cho hơn 130 hộ dân xã Sốp Cộp và Dồm Cang; Hội Nông dân huyện tổ chức cho Chủ tịch Hội Nông dân các xã đi học tập kinh nghiệm chăm sóc dúi ở huyện Phù Yên. Qua đó, giúp nhân dân trong huyện có thêm kiến thức phát triển mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nông dân xã Sốp Cộp phòng bệnh cho dúi.

Nông dân xã Sốp Cộp phòng bệnh cho dúi.

Mặc dù mới là kết quả bước đầu, nhưng triển vọng của mô hình nuôi dúi sinh sản và thương phẩm ở Sốp Cộp là khả quan, cho thấy sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương. Để nhân rộng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, lựa chọn con giống bảo đảm và tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông dân.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/trien-vong-mo-hinh-nuoi-dui-o-sop-cop-jCN9NF0NR.html