Triển vọng mô hình nuôi ốc bươu đen mang lại hiệu quả kinh tế cao
Phước Chỉ là một trong hai xã biên giới của thị xã Trảng Bàng, với lợi thế đất đai màu mỡ, nhiều kênh, rạch, người dân tập trung sản xuất, chăn nuôi.
Tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên, một số thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Bình áp dụng mô hình nuôi ốc bươu đen, bước đầu mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần canh tác lúa.
Tận dụng gần 2.000m2 đất ruộng trũng của gia đình, ông Bùi Văn Tâm, ngụ ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ đào ao lên luống chuyển đổi sang nuôi ốc bươu đen, mang lại thu nhập mỗi tháng gần 10 triệu đồng.
Ông Tâm cho biết, đầu năm 2021, ông đến nhà một người bà con ở Long An, tình cờ được giới thiệu về mô hình nuôi ốc bươu đen trong ruộng mang lại thu nhập ổn định nên quyết định mua con giống về nuôi thử.
Theo ông Tâm, ban đầu ông cũng lo về đầu ra, vì sợ nuôi nhiều không có ai mua nên chỉ nuôi một ao, diện tích khoảng 50m2. Tuy nhiên, sau khi ốc lớn, nhờ một số người quen giới thiệu, thương lái tự tìm đến nhà thu mua, giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Tâm cho biết từ lúc mang ốc về nuôi, ông được Ban quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình tạo điều kiện tiếp cận với chính sách hỗ trợ mô hình sản xuất mới của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngoài việc được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư con giống, ông còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách ấp trứng, ươm con giống, phương pháp xử lý nước bị nhiễm phèn để con ốc phát triển nhanh, khỏe mạnh.
Cũng là thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình, ông Cao Văn Mè, ngụ ấp Phước Long, xã Phước Chỉ nhận thấy mô hình nuôi ốc của ông Tâm phù hợp với gia đình nên học kinh nghiệm và mang về nuôi được gần 2 năm nay.
Ông Cao Văn Mè cho biết, trước đây khi mới mang về nuôi, ông để cho ốc tự đẻ và nở tự nhiên ngoài đồng nên tỷ lệ trứng nở không cao. Rút kinh nghiệm nên ông thiết kế hồ nước lót bạt trong nhà, trứng ốc được mang về cho vào thùng xốp ấp nở, sau đó thả ươm trong hồ đến khi ốc bằng đầu ngón tay thì đem thả ra ao nuôi tự nhiên. Ốc tự ăn rau, bèo trong ao, người nuôi không tốn bất kỳ chi phí gì thêm.
Sau 6 tháng là có thể thu hoạch, bán cho các thương lái với giá khoảng 50 - 60 ngàn đồng/kg. Với diện tích chưa đầy 2.000m2, ông chia thành nhiều ao, thả các lứa ốc gối đầu, từ nhỏ đến lớn, nên mỗi ngày đều có ốc để bán. Trung bình mỗi tháng, ông Mè thu về gần 10 triệu đồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Cao Văn Thả- Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình cho biết, hiện nay HTX có 60 thành viên chuyên sản xuất lúa chất lượng cao, có liên kết với một số doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra.
Theo ông Thả, từ năm 2019 đến nay, HTX Phước Bình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả. Trong đó, mô hình sản xuất lúa, nuôi cá xen canh và mô hình nuôi ốc bươu đen đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Hiện nay, HTX có 7 thành viên triển khai mô hình nuôi ốc bươu đen, với diện tích khoảng 1,2 ha. Các hộ nuôi tận dụng diện tích ruộng trũng, sâu để nuôi không tốn quá nhiều chi phí (trừ chi phí ban đầu để mua con giống và đào ao, be bờ) nhưng thu nhập ổn định, gấp ba, bốn lần sản xuất lúa. Hiện, HTX đang triển khai cho các thành viên nhân rộng mô hình.
Ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông cùng với các địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân như: mô hình nuôi cá rô trong ruộng lúa, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, nuôi tôm trong bể lót bạt, mô hình nuôi ốc bươu đen…
Theo ông Tùng, nuôi ốc bươu đen được đánh giá là mô hình kinh tế mới, được nhiều nông dân áp dụng. Qua thực tế, mô hình này đang phát triển theo hướng tích cực, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá tốt. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc bươu đen trên thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung hạn chế. Việc chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang nuôi ốc bươu đen là hướng đi mới để nâng cao thu nhập cho nông dân.