Triển vọng mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc dưới thời chính quyền ông Trump 2.0

Chính quyền mới của Tổng thống Trump dường như muốn gửi đi thông điệp rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán và ký kết các thỏa thuận với Trung Quốc. Theo giới phân tích, đây có thể là tin mừng đối với Trung Quốc khi nước này đang chuẩn bị cho một giai đoạn đầy khó khăn trong quan hệ Mỹ - Trung.

Cho đến thời điểm hiện tại, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thực hiện lời đe dọa áp thuế quan nặng nề đối với Trung Quốc. Trước đó, khi phát biểu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị tại một diễn đàn kinh tế ở Davos, ông Trump cho rằng hai nước có thể có "mối quan hệ rất tốt". Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc thăm Trung Quốc trong những tháng tới.

Tổng thống Trump tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago trong nhiệm kỳ đầu. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago trong nhiệm kỳ đầu. (Ảnh: Reuters)

Ông Trump thậm chí đã ký sắc lệnh hoãn thi hành đạo luật cấm TikTok do Trung Quốc sở hữu trong vòng 75 ngày và cho phép các kho ứng dụng mở lại việc tải ứng dụng này, đồng thời phát đi hiệu lệnh ông sẽ xem xét nới lỏng luật yêu cầu công ty này phải thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh tại Mỹ hoặc sẽ bị cấm. Tất cả những động thái trên dường như muốn gửi đi thông điệp rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẵn sàng đàm phán và ký kết các thỏa thuận với Trung Quốc.

Theo giới phân tích, đây có thể là tin mừng đối với Trung Quốc khi nước này đang chuẩn bị cho một giai đoạn đầy khó khăn trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong bối cảnh ông Trump bổ nhiệm những người theo đường lối cứng rắn với Bắc Kinh vào nội các mới và vận động áp thuế cao đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Học giả chính trị Liu Dongshu của Đại học Hong Kong cho biết: "Trung Quốc nhận ra rằng họ có cơ hội để đàm phán với ông Trump và có cơ hội xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ”.

Đối với Trung Quốc một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng như trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này tại thời điểm không thuận lợi. Giờ đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất muốn nắm bắt cơ hội để làm dịu đi đường lối cứng rắn của ông Trump.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tạo nên “điểm khởi đầu mới” trong quan hệ Mỹ - Trung khi ông có cuộc điện đàm với ông Trump. Ông cũng cử Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đến thủ đô Washington để tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tuần này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường khẳng định, Trung Quốc muốn “thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng”, không phải “quan hệ thương mại thặng dư” với thế giới.

Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng không quá kỳ vọng vào mối quan hệ Mỹ-Trung và họ có thể đang tính toán cẩn thận cách thức đàm phán với nhà lãnh đạo mới của Mỹ trong những tháng tới.

Có kiềm chế được mối đe dọa thuế quan hay không?

Trước đó vào ngày 15/1/2020, Mỹ và Trung Quốc chính thức ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, tạo ra “lệnh ngừng bắn” đối với cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng. Ở thời điểm đó, ông Trump đã tăng thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ nhằm “cân bằng sân chơi” với Bắc Kinh.

Giờ đây, thỏa thuận này là một phần của cuộc điều tra lớn hơn về nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia khác mà ông Trump yêu cầu Bộ Thương mại và Bộ Tài chính, cùng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thực hiện ngay khi vừa nhậm chức.

Bản đánh giá sẽ hướng dẫn liệu Nhà Trắng có áp thuế đối với Trung Quốc hay không nhưng dự kiến sẽ mất nhiều tháng. Cũng chưa rõ liệu ông Trump có tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ nhạy cảm mà chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden từng cho phép thực hiện hay không.

Quãng thời gian chờ đợi này có thể giúp Bắc Kinh tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với ông Trump, tiếp đón ông tại Bắc Kinh hoặc thúc đẩy một thỏa thuận phòng ngừa để tránh những hình phạt kinh tế nghiêm trọng hơn.

“Trung Quốc nhận ra rằng họ có thể đàm phán với chính quyền Trump 2.0. Lần này, thay vì bị ông Trump ép buộc bước vào một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh có thể né tránh nếu giữ bình tĩnh và bắt đầu nói chuyện với ông ấy”, Shen Dingli, nhà phân tích về các vấn đề đối ngoại tại Thượng Hải nhận định.

Mỹ có thể áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sớm nhất là vào tháng 2 tới. Nhưng đây là sự khác biệt hoàn toàn so với mức thuế 60% mà ông Trump đưa ra khi thực hiện chiến dịch vận động tranh cử. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể coi mối đe dọa đó là đòn bẩy mà họ có thể sử dụng để xoa dịu ông Trump.

Chẳng hạn, các quan chức Trung Quốc có thể hành động nhiều hơn nữa để thực hiện thỏa thuận "giai đoạn một" hiện có và mở rộng hơn nữa thị trường khổng lồ của Trung Quốc cho các công ty nước ngoài. Trong các cuộc tranh luận tại Trung Quốc về chính sách đối ngoại, nhiều chuyên gia cũng ủng hộ đối thoại và hợp tác về kinh tế thay vì áp dụng đường lối cứng rắn.

Ông Jia Qingguo, cựu hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Bắc Kinh lưu ý: "Thay vì phủ quyết toàn bộ mọi đề xuất của Mỹ, Trung Quốc nên phân tích những vấn đề nào cần phản đối và những vấn đề nào có thể hợp tác dựa trên lợi ích của chúng ta".

Nếu ông Trump đến thăm Bắc Kinh trong những tháng tới, một chuyến đi mà các nguồn tin thân cận với tổng thống cho biết ông đang để mắt tới, thì điều này sẽ mang đến cho Bắc Kinh cơ hội quan trọng để thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ.

Bắc Kinh thận trọng

Theo giới phân tích, cũng có những giới hạn nhất định đối với mức độ Trung Quốc có thể nhượng bộ trước các yêu cầu của ông Trump và hiện đang có sự hoài nghi trong nội bộ Trung Quốc về khả năng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump cách đây một tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết: “Điều quan trọng là phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau. Mặt khác, cần tạo ra “không gian hợp tác rộng lớn” trên các lĩnh vực khác ngoài quan hệ kinh tế”.

Hiện đang có một cuộc tranh luận về cách phản ứng của chính phủ Trung Quốc nếu tổng thống Mỹ bắt đầu áp thuế nặng tay đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại tiềm tàng. Trung Quốc đã cải tổ các quy định kiểm soát xuất khẩu vào cuối năm 2024, hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng và các công nghệ liên quan mà nhiều nước sử dụng chế tạo các sản phẩm từ hàng hóa quân sự đến chất bán dẫn. Đây được coi là một loại đòn bẩy mà Bắc Kinh có thể sử dụng để chống lại thuế quan của Mỹ.

Theo giới phân tích, bất cứ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai sẽ không tồn tại một cách đơn thuần. Thay vào đó, nó sẽ diễn ra trong bối cảnh có vô số căng thẳng giữa hai bên về các vấn đề như hồ sơ nhân quyền, cuộc cạnh tranh giành vị trí đứng đầu về công nghệ, quân sự và sự cân bằng quyền lực ở châu Á.

Vì vậy, ngay cả khi các quan chức Trung Quốc đang mừng thầm với những dấu hiệu tích cực trong chính quyền Trump 2.0 về quan hệ giữa hai bên, thì vẫn có sự hoài nghi rằng những tín hiệu ấm áp đó có thể không kéo dài.

"Điều này không có nghĩa là mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ diễn tiến theo chiều hướng tích cực hơn, chỉ là cách tiếp cận của Mỹ đã thay đổi. Chúng ta không được lơ là cảnh giác bởi Mỹ vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược", ông Jin Canrong, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung-Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc lưu ý.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trien-vong-moi-quan-he-my-trung-quoc-duoi-thoi-chinh-quyen-ong-trump-20-post1150953.vov