Triển vọng ngành công nghiệp sản xuất vắc-xin của Việt Nam
Ngày 22/5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu vắc-xin và tham gia Chương trình chuyển giao công nghệ vắc-xin mRNA của Việt Nam.
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ tăng cường tiếp cận vắc-xin và năng lực hệ thống y tế để Việt Nam ứng phó với Covid-19” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua UNDP nhằm tăng cường tiếp cận vắc-xin và chứng nhận vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam.
Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, vào 6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam với sự hỗ trợ của COVAX và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin Covid-19 cao nhất thế giới, đã cứu sống được nhiều mạng người, tạo điều kiện quan trọng để tái mở cửa, khôi phục kinh tế.
“Rõ ràng việc tiếp cận vắc-xin rất quan trọng ở cả góc độ chương trình tiêm chủng thường quy cũng như vắc-xin khẩn cấp trong đại dịch cũng như các đại dịch khác trong tương lai", ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các diễn giả chia sẻ những phát hiện chính của 3 nghiên cứu quan trọng được thực hiện trong dự án gồm: Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển và sản xuất vắc-xin trong nước, thực trạng năng lực sản xuất và nhu cầu sản xuất vắc-xin tại Việt Nam, đề xuất lộ trình để xây dựng Việt Nam trở thành Trung tâm sản xuất vắc-xin khu vực.
Nói về thế mạnh trong sản xuất vắc-xin của Việt Nam, TS. Nguyễn Khánh Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, Việt Nam có bề dày kinh nghiệm sản xuất vắc-xin với 4 doanh nghiệp nhà nước và một số cơ sở tư nhân đều đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt).
Việt Nam cũng có khả năng làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin bởi trước đó đã làm chủ công nghệ như vắc-xin bất hoạt, vắc-xin giải độc tố, vắc-xin tiểu đơn vị.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít nước gần như chủ động toàn bộ vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng (10/11 vắc-xin). Năm 2015 hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin của Việt Nam đã đạt được chứng nhận “Hoạt động tốt” theo Bộ công cụ đánh giá vắc-xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin khu vực, theo TS. Nguyễn Khánh Phương, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao cho sản xuất vắc-xin. Xây dựng cơ sở sản xuất đạt GMP (thực hành sản xuất tốt) có quy mô đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiếp tục tăng cường hệ thống cơ quan quản lý quốc gia vắc-xin, đạt chứng nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Xây dựng các chính sách liên quan để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Còn theo TS. Ong Thế Duệ, Phó trưởng Khoa Tài chính y tế và đánh giá công nghệ y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, trong đại dịch Covid-19 vừa qua hiện ra một bức tranh rõ nét trong vấn đề sản xuất vắc-xin Covid-19 nói riêng và sản xuất vắc-xin nói chung.
Đến tháng 2/2022, trên thế giới có hơn 10 tỷ liều vắc-xin được tiêm, nhưng tại những khu vực như châu Phi có đến 83% người dân chưa được tiêm.
“Có 27 nước tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 chưa đến 10% dân số, trong khi nhiều nước khác đã tiêm đến mũi tiêm thứ 3 cho người dân. Tình trạng bất bình đẳng vắc-xin này không chỉ xảy ra đối với vắc-xin Covid-19 mà còn xảy ra với các loại vắc-xin khác ", TS. Duệ nhấn mạnh.
Riêng về vắc-xin Covid-19, đến giữa năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 thấp nhất Đông Nam Á.
Chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ, sản xuất vắc-xin đáp ứng với mọi đại dịch trong tương lai. Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã mở ra một công nghệ mới trong phát triển vắc-xin.
Tại hội thảo này, các đại biểu đã đề xuất lộ trình đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin của khu vực. Lộ trình này vạch ra các bước và các hành động cần thiết để nâng cao năng lực sản xuất vắc-xin của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh y tế khu vực.