Triển vọng nghề nuôi ong mật

Hiện nay, tỉnh ta có trên 84.700 ha cây ăn quả, 20.000 ha cây cà phê và hơn 6.000 ha cây cao su; cùng với đó là nhiều loại hoa như cỏ lào, hoa ngô, hoa cỏ kim, hoa ngải cứu rừng..., là lợi thế cho phát triển nghề nuôi ong mật.

Ông Nguyễn Thế Luận, Phó Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp - nông thôn tỉnh, chia sẻ: Toàn tỉnh có 48 chi hội nuôi ong mật, với 2.132 hội viên, nuôi 81.740 đàn ong, chủ yếu là giống ong ngoại. Có 7 HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong. Sản lượng mật giao động từ 3.200-3.500 tấn/năm; sản lượng phấn hoa đạt 200-230 tấn/năm; sản lượng sáp ong từ 230-250 tấn/năm. Giá trị từ mật ong và các phụ phẩm từ ong khoảng 230-250 tỷ đồng/năm. Năm 2014, Mật ong Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể; năm 2019, sản phẩm mật ong của một số cơ sở sản xuất, hộ nông dân được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Nông dân Sông Mã thu hoạch mật ong.

Nông dân Sông Mã thu hoạch mật ong.

Nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn quả được nhiều nông dân áp dụng. Khi ong nuôi trong các vườn cây ăn quả sẽ giúp tỷ lệ thụ phấn hoa và đậu quả tăng. Theo tính toán của các nhà khoa học, năng suất của cây trồng trong các vùng nuôi ong mật tăng từ 10 - 15 lần so với các vùng không nuôi ong mật. Ngoài ra, còn giúp diệt trừ côn trùng, sâu bọ có hại cho cây, giúp nông dân hạn chế việc dùng thuốc trừ sâu. Đây là mối quan hệ hỗ trợ phát triển giữa cây trồng và nuôi ong mật.

Với nguồn thực vật rừng đa dạng, diện tích cây ăn quả rộng lớn, ong mật ở Sơn La cho thu hoạch nhiều lần trong năm, như: Mật cỏ lào từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau; mật hoa xoài, hoa nhãn, hoa dẻ, hoa ban từ tháng 1 đến tháng 5; phấn hoa ngô tháng 6; phấn hoa cỏ kim tháng 9 và phấn hoa ngải cứu từ tháng 9 đến tháng 10.

20 năm gắn bó với nghề nuôi ong mật, ông Trương Văn Khang, Chi hội trưởng Chi hội nuôi ong xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghề này. Hiện nay, gia đình ông có 400 đàn ong, mỗi năm thu 20-25 tấn mật; thu nhập bình quân khoảng 600 triệu đồng. Ông Khang cho biết: Nghề nuôi ong lấy mật đòi hỏi trình độ kỹ thuật và sự linh hoạt trong việc di chuyển đàn ong đến địa bàn các nguồn hoa của cây ăn quả để khai thác mật. Nếu di chuyển đúng thời điểm, sẽ tạo năng suất mật cao; trung bình một đàn ong ngoại tiêu chuẩn (8-10 cầu) trong mùa hoa nhãn cho thu từ 15-20kg/đàn/vụ; mùa hoa cỏ kim, cỏ lào thu từ 10-15kg/đàn/vụ. Tháng 4 hằng năm, sau khi khai thác mật nhãn xong, chúng tôi di chuyển đàn ong đến các tỉnh Nghệ An, Phú Thọ để khai thác mật keo.

Huyện Sông Mã có hơn 10.600 ha cây ăn quả các loại, nguồn hoa phong phú, là môi trường lý tưởng để nuôi các loại ong mật. Khai thác lợi thế này, nông dân trong huyện đã đầu tư nuôi 14.000 đàn ong mật, chủ yếu là giống ong ngoại. Các hộ nuôi ong nắm chắc quy luật ra hoa của các loài cây để di chuyển đàn ong tìm nguồn mật dồi dào. Năm 2019, HTX Nuôi ong mật Sông Mã được thành lập. Hiện nay, HTX có 15 thành viên, quy mô sản xuất hơn 4.000 đàn ong, chủ yếu là giống ong Ý; sản lượng mật đạt 140 tấn/năm; trừ chi phí thu nhập bình quân 300 triệu đồng/thành viên/năm.

Ông Lê Văn Kính, Giám đốc HTX Nuôi ong mật Sông Mã, thông tin: Mật ong của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP, có hàm lượng thủy phần dưới 20%. Năm 2020, sản phẩm mật ong của HTX được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng 4 sao. Năm 2022, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Cùng với thị trường truyền thống, mật ong Sông Mã đã tiếp cận với các kênh bán hàng online, các sàn thương mại điện tử và tại các hội chợ thương mại... Tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến thương mại để mật ong Sông Mã vươn ra thị trường thế giới, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi ong.

Các hộ nuôi ong mật trong tỉnh còn áp dụng phương pháp nuôi ong theo thùng kế. Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội so với nuôi ong ở thùng đơn truyền thống. Bởi nuôi theo thùng kế, đàn ong lớn nhanh; ong chúa có sức khỏe, tính tụ đàn cao; không nhiễm bệnh ấu trùng và ve ký sinh, nên năng suất mật cao; hàm lượng thủy phần dưới 20%, mật không lẫn xác ấu trùng. Khi thu hoạch mật, người nuôi chỉ cần lấy các cầu ở tầng kế ra mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động đẻ trứng của ong chúa và nuôi dưỡng ấu trùng của ong thợ ở tầng trệt. Nhờ đó, mật ong thơm ngon hơn phương pháp nuôi ong truyền thống.

Tạo mối quan hệ hài hòa giữa trồng cây ăn quả và phát triển nghề nuôi ong mật theo hướng bền vững, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý; tuyên truyền nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, thực hiện quy trình kĩ thuật; thông tin rộng rãi mã số vùng trồng cây ăn quả VietGAP, để người nuôi ong khai thác đạt hệ số an toàn cao.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/trien-vong-nghe-nuoi-ong-mat-HaPeea64R.html