Triển vọng sáng cho kinh tế toàn cầu trong năm 2025

Báo cáo mới nhất của OECD dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu tích cực khoảng 3,3% vào năm 2025, tăng nhẹ từ 3,2% vào năm 2024, và giữ mức 3,3% vào năm 2026.

Tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong năm 2025. Ảnh: Omfif.org

Tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong năm 2025. Ảnh: Omfif.org

Các tổ chức quốc tế như S&P Global, Goldman Sachs Research và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây đều dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định trong năm tới mặc dù phải đối mặt những thách thức đáng kể từ bất ổn địa chính trị cùng với rủi ro chiến tranh thương mại.

Dự báo lạc quan

Báo cáo mới nhất của OECD dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3,3% vào năm 2025, tăng nhẹ từ 3,2% vào năm 2024, và giữ mức 3,3% vào năm 2026. Theo báo cáo của OECD, triển vọng tăng trưởng kinh tế có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực.

Tăng trưởng GDP của Mỹ được dự báo tăng 2,8% trong năm 2025, sau đó giảm xuống 2,4% vào năm 2026. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tăng trưởng GDP được thúc đẩy bởi thu nhập thực hộ gia đình phục hồi, thị trường lao động thắt chặt và giảm lãi suất, đạt mức 1,3% vào năm 2025 và 1,5% vào năm 2026.

Tại châu Á, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến tăng khoảng 4,7% trong năm 2025 và 4,4% vào năm 2026.

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhận định: “Tăng trưởng toàn cầu đã chứng minh khả năng chống chịu tốt. Lạm phát tiếp tục giảm gần mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng vẫn ổn định. Tuy nhiên, những thách thức lớn vẫn tồn tại. Căng thẳng địa chính trị gây ra rủi ro ngắn hạn, tỷ lệ nợ công ở mức cao và triển vọng tăng trưởng trung hạn còn yếu.

Theo dự báo của Capital Group, nền kinh tế Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm tới. Theo ước tính của IMF, tăng trưởng GDP của quốc gia Nam Á sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% vào năm 2025, nhờ lực lượng lao động trẻ ngày càng tăng.

Ấn Độ cũng đang hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, góp phần phát triển cơ sở sản xuất trong các lĩnh vực như điện thoại di động, thiết bị gia dụng và dược phẩm, cùng các sản phẩm khác.

S&P Global cũng đánh giá nền kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu năm 2025 ở một vị thế tương đối tốt. Khả năng phục hồi vĩ mô là chủ đề chính trong những năm gần đây.

Lãi suất cao hơn để ứng phó với sự gia tăng đột biến bất ngờ của lạm phát sau đại dịch Covid-19 đã không gây ra sự suy thoái mạnh như hầu hết các nhà dự báo lo ngại. Chi tiêu cho dịch vụ vẫn mạnh và nhu cầu lao động mạnh mẽ.

Trong báo cáo công bố đầu tháng 12, Goldman Sachs Research dự báo kinh tế thế giới sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định trong năm 2025. Theo đó, GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng 2,7%, cao hơn so với dự báo 2,5% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát và bằng mức tăng trưởng ước tính trong năm 2024.

Theo báo cáo của Goldman Sachs Research, nền kinh tế lớn nhất thế giới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia phát triển khác trong 3 năm liên tiếp. Cụ thể, GDP của Mỹ có thể tăng 2,5% trong năm 2025, vượt xa mức dự báo 1,9% do Bloomberg đưa ra trước đó.

Trong nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump có thể áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, siết chặt nhập cư và thực hiện chương trình cắt giảm thuế mới.

Dây chuyền sản xuất tự động tại một nhà máy ô tô ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. Ảnh: IC

Dây chuyền sản xuất tự động tại một nhà máy ô tô ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. Ảnh: IC

Trong khi đó, nền kinh tế khu vực Eurozone được dự báo đạt mức tăng trưởng 0,8%, thấp hơn so với mức dự báo trước đó 1,2% trước nguy cơ chịu tác động từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.

Ngoài ra, Goldman Sachs Research nhận định, lạm phát tại các nước trên thế giới có thể tiếp tục giảm từ mức 5,4% trong năm 2024, xuống còn 3,8% vào năm 2025.

Tỷ lệ lạm phát hiện đã giảm về mức mục tiêu của ngân hàng trung ương tại gần một nửa các nền kinh tế phát triển và khoảng 60% các nền kinh tế mới nổi.

“Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và đang tiến sát mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Phần lớn các ngân hàng trung ương đang trong quá trình đưa lãi suất về mức bình thường” – nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs Research lưu ý trong báo cáo công bố gần đây.

Đề phòng những “cơn gió ngược”

Theo các chuyên gia kinh tế, nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại và rủi ro địa chính trị kéo dài có thể cản trở đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hồi tháng 11 vừa qua cảnh báo, ngay trong ngày đầu tiên sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025, ông sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada, thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Carolinacoastonline.com

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Carolinacoastonline.com

Giới phân tích kinh tế nhận định rằng kế hoạch áp thuế này không chỉ làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đối với ngành công nghiệp Mỹ, mà còn có nguy cơ làm bùng phát cuộc chiến thương mại toàn cầu. Điều này chắc chắn sẽ cản trở dòng chảy thương mại trên thế giới cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của 3 đối tác thương mại lớn nhất của Washington sẽ đẩy thuế nhập khẩu của Mỹ trở lại mức cao kỷ lục từng ghi nhận vào năm 1930 và làm gia tăng lạm phát, dẫn tới các biện pháp trả đũa thuế quan, và thậm chí làm đảo lộn toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia của Goldman Sachs Research ước tính rằng 67 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu trên toàn cầu có thể gặp rủi ro trong năm 2025 và 2026. Một cuộc chiến tranh thương mại mới ở quy mô hẹp dưới thời chính quyền Trump 2.0 có thể khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu sụt 0,6%, trong khi một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, bao gồm thuế quan 60% đối với Trung Quốc và 10% đối với phần còn lại của thế giới, được dự báo làm giảm tới 2,4% tăng trưởng thương mại thế giới.

Theo nhà kinh tế trưởng Ahmet Ihsan Kaya tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR) có trụ sở tại Anh, rủi ro lớn nhất đối với thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế thế giới trong dài hạn chính là các chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump.

“Tổng thống đắc cử Trump đã công bố một số chính sách thuế quan mới. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tăng trưởng toàn cầu có thể giảm khoảng 1% nếu chính quyền Tổng thống Trump chính thức áp mức thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc” - chuyên gia Kaya cho hay.

Thêm vào đó, những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, vốn khó dự đoán, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá năng lượng - nguồn động lực quan trọng cho kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nhìn chung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ vững chắc trong năm tới bất chấp nguy cơ áp đặt thuế quan mới của Mỹ.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Research cho biết: “Trừ khi xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, các thay đổi chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump sẽ không làm thay đổi đáng kể đến dự báo về kinh tế toàn cầu của chúng tôi”.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính vẫn đặt niềm tin rằng kinh tế toàn cầu có thể vượt qua những thách thức này, và các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ hoàn tất việc đưa lãi suất trở về mức bình thường.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trien-vong-sang-cho-kinh-te-toan-cau-trong-nam-2025.html