TS Lê Xuân Nghĩa: 'Năm 2025 muốn tăng trưởng 8% phải có chính sách đột phá'
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, để đạt mức tăng trưởng GDP 8%, Quốc hội, Chính phủ phải đề ra được những chính sách đột phá đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân nội địa.
Vượt qua các khó khăn của giai đoạn trước, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024. Đây là tiền đề để Chính phủ đặt quyết tâm tăng trưởng tới 8% trong năm 2025. Để góp một góc nhìn về hiện trạng kinh tế Việt Nam và mục tiêu tăng trưởng năm tới, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Tăng trưởng vẫn phụ thuộc FDI, nông nghiệp là điểm sáng
- Năm 2024 ghi nhận sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Nhìn lại 1 năm, ông đánh giá thế nào về những điều đã đạt được và những tồn tại, hạn chế?
- Kinh tế thế giới năm qua đã phục hồi khá tích cực, đặc biệt là kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản và một số nước châu Á. Lạm phát cũng giảm khá nhanh; giá nhiên liệu, năng lượng khá ổn định. Thương mại toàn cầu cũng phục hồi nhẹ và sản lượng kinh tế thương mại toàn cầu đã trở lại mức trước Covid-19, tuy chưa bằng năm 2019.
Điều đó đã tạo bối cảnh thuận lợi cho kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn năm cũ. Năm 2024, GDP ước tăng 6,5-7%, lạm phát trên dưới 4%, tỷ giá tăng khoảng 3,5%.
Nhìn sâu hơn vào các động lực tăng trưởng, có thể thấy cả mặt tốt và chưa tốt. Động lực thứ nhất là xuất khẩu. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 15%, ước đạt khoảng 400 tỷ USD, trong đó khối FDI chiếm 280 tỷ USD. Thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD, được tạo ra bởi khối FDI, còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn thâm hụt.
Động lực thứ hai là đầu tư. Vốn FDI đăng ký năm 2024 đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng 1%; vốn FDI thực hiện khoảng 22 tỷ USD, tăng 7,1%. Đầu tư công đạt 74% kế hoạch năm, tăng 2,5%. Song, điều đáng buồn là đầu tư tư nhân không tăng. Như vậy, động lực đầu tư góp phần tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là đầu tư nước ngoài và một phần nhỏ là đầu tư công.
Động lực thứ ba là tiêu dùng. Tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2024 chỉ ước tăng khoảng 5,8% (đã trừ lạm phát), thấp hơn năm trước (tăng trên 7%, đã trừ lạm phát). Điều này cho thấy tiêu dùng nội địa tăng trưởng chậm lại, phản ánh đầu tư của khu vực nội địa bao gồm đầu tư công và đầu tư khu vực tư nhân tăng không đáng kể, chưa tạo được những bước đột phá về việc làm và thu nhập, đặc biệt trong khu vực bán lẻ.
Tựu trung lại, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có sự đóng góp lớn của khu vực FDI, còn khu vực nội địa vẫn chưa thể tạo nên đà tăng trưởng cho năm tiếp theo, đặc biệt khu vực doanh nghiệp tư nhân nội địa. Chính phủ cần phải có chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc hiện nay để thúc đẩy đầu tư của khu vực này.
- Tất nhiên là vẫn có, nông nghiệp là lĩnh vực đáng kể nhất. Năm 2024, giá trị sản xuất của lĩnh vực này tăng trưởng trên 3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản tăng trên 18%, chiếm một nửa tổng xuất khẩu của khu vực tư nhân nội địa Việt Nam. Trong tương lai, đây vẫn là khu vực có tiềm năng lớn về xuất khẩu của nước ta.
Nếu có chính sách tốt, kích thích hỗ trợ quá trình xanh hóa, số hóa thì nông nghiệp sẽ là khu vực phát triển khá bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu mà cả các nhu cầu nội địa kể cả du lịch sinh thái, đa dạng sinh học. Đây cũng là khu vực duy nhất tạo ra thặng dư thương mại của xuất nhập khẩu doanh nghiệp nội địa.
Mục tiêu tăng trưởng 8% khá thách thức
- Năm 2025, Chính phủ muốn GDP tăng trưởng 8%. Theo ông, bối cảnh kinh tế thế giới có ủng hộ cho mục tiêu này?
- Một trong những yếu tố tác động lớn tới kinh tế thế giới năm 2025 là việc ông Donald Trump chính thức làm tổng thống Mỹ. Vị tân tổng thống này có thể áp đặt mức thuế nhập khẩu tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10% đối với các nước còn lại, trong đó có Việt Nam.
Theo tính toán của Ủy ban ngân sách quốc hội Mỹ, chính sách trên của ông Donald Trump sẽ làm kinh tế Mỹ giảm khoảng 0,6%, lạm phát tăng khoảng 1%. Thương mại toàn cầu có thể giảm khoảng 0,3% do sức mua của hầu hết các khu vực yếu đi. GDP toàn cầu ước tính sẽ giảm 0,3%, lạm phát tăng khoảng 0,5% và đồng USD tăng giá khoảng 3%.
Là nền kinh tế có độ mở rất lớn, Việt Nam khó tránh bị ảnh hưởng. Một là áp lực lạm phát sẽ tăng lên thông qua giá hàng nhập khẩu và tỷ giá hối đoái. Hai là tăng trưởng kinh tế cũng có thể chậm lại do sức mua trong nước chưa phục hồi và sức mua toàn cầu có thể giảm.
- Ông có thể phân tích sâu hơn về tác động của bối cảnh kinh tế thế giới nói trên tới các động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025?
- Tiếp tục nhìn theo các động lực tăng trưởng để đo lường tác động, chúng ta thấy với xuất khẩu, năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng chậm lại do sức mua nước ngoài yếu và chi phí nguyên liệu nằm trong hàng xuất khẩu tăng lên.
Về đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có thể tăng chậm lại, do Mỹ thu hút đầu tư về nước, đồng USD mạnh lên và do vốn đăng ký của năm 2024 tăng rất thấp. Đầu tư công dự kiến tăng nhanh hơn năm 2024 do bảng giá đất mới có thể thúc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào các thủ tục pháp lý khác như đấu thầu, đấu giá đất và tiến trình gỡ bỏ các thủ tục hành chính rườm rà.
Đầu tư tư nhân có thể được cải thiện nhất trong khu vực bất động sản và xây dựng, vật liệu xây dựng, nhưng khu vực này vẫn bị đè nặng bởi rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà, thủ tục huy động vốn, đặc biệt thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn.
Về tiêu dùng, tiêu dùng nội địa vẫn chưa có cơ sở để cải thiện căn bản do sản xuất kinh doanh chưa có biến chuyển lớn. Ngoài ra việc làm, thu nhập của một bộ phận người dân cũng có thể ảnh hưởng nhất định từ công cuộc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy.
Như vậy, nhìn từ các yếu tố bên ngoài và nội tại, có thể thấy 3 động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam vẫn chưa có bước đột phá. Vì vậy, tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ ở mức 6,5% - 7% như Quốc hội đã đề ra.
Nếu muốn đạt tốc độ tăng trưởng 8%, Quốc hội, Chính phủ phải có những chính sách đột phá đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân nội địa, trong đó phục hồi và lành mạnh hóa thị trường bất động sản là điều quan trọng, từ đó phục hồi ngành xây dựng, đồ nội thất...
Chứng khoán khó tăng, vàng có xu hướng giảm
- Với các phân tích và dự báo như trên, theo ông, thị trường chứng khoán – được gọi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, sẽ có diễn biến thế nào trong năm 2025?
- Thị trường chứng khoán toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất. Nếu lãi suất giảm, thị trường sẽ tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thời gian qua giảm lãi suất 3 lần nhưng khi việc giảm chậm hơn kỳ vọng, Dow Jones mất hơn 1.000 điểm. Với chính sách của ông Donald Trump, lãi suất rất có thể sẽ giảm chậm, thậm chí không giảm, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu khó có thể tăng tích cực.
Điều này sẽ tác động tới Việt Nam, bởi số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán nước ta khá lớn mà họ sẽ có xu hướng đầu tư thận trọng hơn. Tôi dự đoán xu thế bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn kéo dài.
Nhìn vào các ngành, chúng ta thấy các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn mặc dù đã có các chính sách gỡ vướng. Do đó, ngoài mã chứng khoán về ngân hàng, dầu khí, nông lâm ngư nghiệp thì các mã còn lại, nhất là bất động sản, vẫn còn nhiều biến động khó lường.
Tựu trung, thị trường chứng khoán năm 2025 vẫn chưa có những dấu hiệu đột phá và chỉ số VN-Index chưa thể tăng nhanh như nhiều đơn vị kỳ vọng. Tôi cho rằng VN-Index có thể biến động lên xuống 1.250 - 1.270 điểm.
- Bên cạnh thị trường chứng khoán, vàng là kênh tài sản nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân trong năm 2024. Ông có cho rằng năm 2025, vàng sẽ tiếp tục “tạo sóng”?
- Giá vàng thế giới phụ thuộc rất lớn vào địa chính trị và giá trị của đồng USD. Năm 2025, địa chính trị có thể dịu hơn, xu hướng đàm phán đã khá rõ. Còn đồng USD sẽ mạnh lên dưới sức ép chính sách của chính phủ Mỹ. Như vậy, vàng sẽ có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, có một yếu tố tác động khiến giá vàng có thể bật tăng là lạm phát toàn cầu tăng. Tổng hợp các yếu tố trên thì giá vàng thế giới năm 2025 sẽ không có biến động nhiều, nhưng xu hướng giảm vẫn là chủ đạo.
Giá vàng Việt Nam nếu không có chính sách đột phá vẫn sẽ biến động theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên chênh lệch giá vàng Việt Nam - thế giới có độ trễ vì các nhà đầu tư cần quan sát cụ thể.