Triển vọng sáng của bức tranh kinh tế

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, các động lực cho tăng trưởng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, nhưng GDP năm 2024 vẫn có khả năng đạt mức tăng trưởng cao.

Mặt bằng lãi suất cho vay thấp sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh

Mặt bằng lãi suất cho vay thấp sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh

Nhiều yếu tố thúc đẩy

Năm 2023, GDP tăng 5,05%. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 được Quốc hội thông qua là 6 - 6,5%, nhưng Chính phủ phấn đấu đạt mức tăng 6,5 - 7%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý I tăng 5,66%, quý II tăng 6,93%, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%.

Tính đến hết tháng 8/2024, kinh tế Việt Nam ghi nhận đà phục hồi tích cực ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 8,6%, khu vực công nghiệp tăng 9,5%, khu vực dịch vụ ghi nhận tăng trưởng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,5%.

Xuất khẩu ghi dấu ấn khi 8 tháng đầu năm nay mang về 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó, 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%). Nhờ đó, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; trong đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn.

Một số giải pháp được Thủ tướng chỉ ra là Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 khoảng 15%...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, các động lực từ phía cầu và phía cung đều có chuyển biến tích cực là điểm sáng cho tăng trưởng, đồng thời việc quyết liệt, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xử lý tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng đã thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Nhưng nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, một số động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét, nên các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, chủ động, hiệu quả hơn, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cả năm từ 6,8 - 7%.

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phân bổ room và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, đồng thời có biện pháp từng bước hạ lãi suất. Hiện nay, lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%/năm, giảm 0,86% so với cuối năm 2023.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới nhận xét, kinh tế Việt Nam dần ổn định, có khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu. GDP năm 2024 có thể tăng 6,1%, cao hơn so mức 5,05% năm 2023.

Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2024 với chủ đề “Vượt qua thách thức, vững bước tiến lên”, Công ty Chứng khoán MB dự báo, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III và quý IV/2024 có thể đạt lần lượt 6,6% và 6,5% nhờ sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu cũng như mở rộng đầu tư công và giải ngân đầu tư công hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cơn bão Yagi và lũ lụt xảy ra gây thiệt hại ước tính khoảng 50.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự báo, những thiệt hại này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024 của cả nước chậm lại. Mặc dù vậy, mức tăng GDP cả năm có thể chỉ giảm 0,15% so với kịch bản không có bão Yagi (6,8 - 7%).

Tại Hội nghị khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi ngày 15/9, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu GDP cả năm tăng khoảng 7%.

Tín dụng sẽ hỗ trợ tăng trưởng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc Fed giảm lãi suất sẽ làm giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND, giúp ổn định thị trường ngoại hối và tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tỷ giá ổn định sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, cộng với lãi suất ở mức thấp, doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, tận dụng dòng vốn chi phí rẻ để phục hồi sản xuất và tăng trưởng. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá giảm sẽ giúp Việt Nam có lợi thế hơn trong thu hút FDI.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB, trong nửa đầu năm 2024, câu chuyện tỷ giá cao là lực cản lớn của thị trường, nên khi Fed giảm lãi suất, áp lực tỷ giá giảm sẽ giúp Việt Nam duy trì được nền lãi suất thấp, qua đó tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. GDP năm 2024 dự báo tăng 6 - 6,5%.

“Để có GDP tăng trưởng như kỳ vọng trong năm 2024 đạt 6 - 6,5% thì cần có hai yếu tố: thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước giữ mặt bằng lãi suất thấp; thứ hai là yếu tố tăng trưởng tín dụng. Hiện nay, tăng trưởng tín dụng đạt 7,15% trong tháng 8, vẫn còn room trong những tháng cuối năm với mục tiêu dư nợ tín dụng cả năm đạt 15%.

Nhìn lại lịch sử, chỉ trong một tháng 12/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 4,35% và đưa mức tăng trưởng tín dụng cả năm từ mức 9% lên hơn 13%, đó là tín hiệu tích cực. Tín dụng năm 2024 cũng đang được kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu đề ra”, ông Hưng nói.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, những tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm.

Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng bắt đầu tích cực hơn, đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8. Nhìn lại năm ngoái, thời điểm tháng 8/2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,33%, nhưng cuối năm vẫn đạt 13,71%.

“Năm nay, với tốc độ cũng như xu hướng chung của nền kinh tế nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mục được đánh giá rất tích cực, chúng tôi tin có khả năng đạt tín dụng tăng trưởng 15%”, ông Tú chia sẻ.

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phân bổ room và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, đồng thời có biện pháp từng bước hạ lãi suất. Hiện nay, lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%/năm, giảm 0,86% so với cuối năm 2023.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trien-vong-sang-cua-buc-tranh-kinh-te-post354294.html