Triển vọng tích cực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam trong tháng 8/2024 đã chứng kiến những biến động quan trọng với nhiều điểm sáng và cả những thách thức.

Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Investors Service (VIS Rating), tổng giá trị phát hành trái phiếu mới đạt 57,7 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 46,8 nghìn tỷ đồng của tháng 7. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại tiếp tục là động lực chính của thị trường, chiếm 70% tổng giá trị phát hành.

Nhìn lại 8 tháng đầu năm, trong số 272,7 nghìn tỷ đồng phát hành TPDN mới, có 51,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu mới đã được các ngân hàng phát hành. Các trái phiếu này chủ yếu thuộc loại thứ cấp, có kỳ hạn trung bình là 8,1 năm và lãi suất dao động từ 5,5% đến 7,6%. Điều này phản ánh nỗ lực của các ngân hàng trong việc tăng cường nguồn vốn dài hạn và cải thiện thanh khoản, đặc biệt khi các yêu cầu về vốn cấp 2 và vốn tự có ngày càng được siết chặt.

Tỷ lệ chậm trả nợ gốc và lãi của trái phiếu doanh nghiệp đã giảm nhẹ từ 15,1% trong tháng 7 xuống 14,9% trong tháng 8. Tổng giá trị chậm trả mới trong tháng 8 đạt 450 tỷ đồng, chủ yếu từ một doanh nghiệp bất động sản.

Bên cạnh đó, thị trường thứ cấp, nơi trái phiếu đã phát hành được giao dịch, ghi nhận sự giảm sút về tỷ lệ vòng quay, chỉ đạt 6% trong tháng 8, thấp hơn so với mức 7% của tháng trước.

Thị trường cũng xuất hiện những tín hiệu tích cực, khi một số tổ chức phát hành trái phiếu đã bắt đầu trả nợ đúng hạn và thanh toán nợ gốc cho trái chủ, với tổng giá trị thanh toán đạt 2,4 nghìn tỷ đồng trong tháng 8.

Tháng 9/2024 dự kiến sẽ tiếp tục là một giai đoạn đầy thách thức đối với thị trường TPDN Việt Nam, khi lượng trái phiếu đến hạn trả nợ đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức 18,1 nghìn tỷ đồng của tháng trước. Trong số này, 1,8 nghìn tỷ đồng được dự đoán có nguy cơ chậm trả nợ gốc, chủ yếu từ nhóm các doanh nghiệp đã từng chậm trả lãi trong quá khứ. Dự báo cho 12 tháng tới, khoảng 18% trong tổng số 245 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn sẽ gặp rủi ro chậm trả nợ gốc. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về sự ổn định của thị trường trong trung và dài hạn, khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với áp lực tài chính lớn và khả năng phá sản tăng cao nếu không có sự hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, với những cải thiện nhất định trong lĩnh vực dịch vụ, năng lượng và bán lẻ, tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả đã tăng lên 20,8% trong tháng 8, cho thấy khả năng cải thiện của thị trường nếu các biện pháp xử lý nợ được thực hiện quyết liệt.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư được khuyến nghị thận trọng trong việc chọn lựa doanh nghiệp phát hành, cần tập trung vào các doanh nghiệp có uy tín và khả năng tài chính vững vàng, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngân hàng hoặc năng lượng, bởi trái phiếu của các doanh nghiệp này thường có tỷ lệ hoàn trả nợ tốt hơn so với các doanh nghiệp bất động sản hoặc xây dựng, vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đa dạng hóa danh mục đầu tư nên xem xét việc phân bổ vốn vào các trái phiếu có kỳ hạn ngắn và phát hành bởi các tổ chức tài chính uy tín, đồng thời kết hợp với các kênh đầu tư khác như chứng khoán hoặc vàng để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, theo dõi sát sao tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, vì trái phiếu doanh nghiệp thường đi kèm với rủi ro lớn nếu doanh nghiệp phát hành gặp vấn đề về tài chính. Nhà đầu tư nên theo dõi sát sao các báo cáo tài chính, các chỉ số nợ/vốn chủ sở hữu, và các thông tin liên quan để kịp thời có những điều chỉnh chiến lược phù hợp.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/trien-vong-tich-cuc-cho-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-155657.html