Giải pháp thúc đẩy thị trường bảo hiểm
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp có thể tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm cơ bản.
Bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng. Ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cùng với ngành tài chính và ngành ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đang tích cực, chủ động, nhanh chóng xác định thiệt hại, bồi thường và chi trả bảo hiểm để người dân có thể ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC).
Phóng viên: Thưa ông, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), trong đó yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng, trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định. Tổng Công ty Bảo hiểm BIC đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào?
Ông Huỳnh Quốc Việt:
Đợt bão lũ này có thể coi là ảnh hưởng lớn nhất trong nhiều năm hoạt động của BIC. Chúng tôi đã sử dụng toàn bộ nguồn lực để tiếp cận và tăng cường giám định cho khách hàng. Tính tới 14h chiều 17/9, đã có 841 khách hàng của chúng tôi bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng trên 360 tỷ đồng.
Ngay khi bão tan, BIC đã thực hiện một loạt công việc để đảm bảo quyền lợi của khách hàng đã ký kết hợp đồng bảo hiểm với BIC, đồng thời chúng tôi cũng như chung tay cùng với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả sau bão.
Theo thống kê tổn thất chủ yếu tập trung ở các địa bàn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên… Đối tượng bảo hiểm chủ yếu là tài sản, hàng hóa, tàu thuyền, xe cơ giới…
Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng định giám định bồi thường từ Trụ sở chính và các địa bàn lân cận tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, phối hợp với các đơn vị giám định độc lập để hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại. Các bộ phận chuyên môn ứng trực 24/24 giờ sẵn sàng tiếp nhận và xử lý hồ sơ tổn thất, giảm thiểu tối đa thời gian cho khách hàng.
Phóng viên: Sau thiên tai, có thể thấy sự vào cuộc chi trả, bồi thường khẩn trương, kịp thời của doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn, chia sẻ, mà còn là nguồn lực đáng kể hỗ trợ công cuộc tái thiết sau thiên tai... Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm còn hạn chế. Theo ông đâu là nguyên nhân và chúng ta cần những giải pháp gì để thúc đẩy thị trường bảo hiểm?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Về lĩnh vực bảo hiểm nói chung, hiện tại thu nhập và mức độ quan tâm tới bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp so ở các nước khu vực và tính trên quy mô tổng GDP. Do đó, các doanh nghiệp trên thế giới đều đánh giá thị trường Việt Nam rất tiềm năng, nhưng thực sự là việc phát triển khá chậm, doanh thu bảo hiểm cũng còn khiêm tốn. Làm sao để gia tăng sự quan tâm và tham gia bảo hiểm của người dân và doanh nghiệp, ở góc độ doanh nghiệp, BIC cũng có một số đề xuất, ý kiến như sau:
Thứ nhất là tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vấn đề bảo hiểm cho các rủi ro về tài chính, sinh mạng, tài sản của người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện việc đó cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như kết hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm để có thông tin rõ ràng lợi ích của bảo hiểm tới người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai là hiện tại mặt bằng thu nhập của của người dân, nhất là địa phương vùng sâu, vùng xa còn thấp. Do đó để khuyến khích người dân quan tâm và tham gia bảo hiểm nên có những chính sách ưu đãi. Bản thân doanh nghiệp cũng nên có những chính sách về phí, về sản phẩm hoặc chăm sóc khách hàng để hỗ trợ cho người dân. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp có thể tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm cơ bản hoặc là các sản phẩm bảo hiểm nâng cao theo nhu cầu để có công cụ bảo vệ trước những rủi ro không thể lường trước.
Vấn đề thứ ba liên quan tới nhu cầu bảo hiểm của người dân, các công ty bảo hiểm cũng như thị trường bảo hiểm nói chung cũng nên có nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng nên mở rộng và đa dạng hóa kênh phân phối để có thể tiếp cận tất cả các tầng lớp khách hàng và các phân khúc khách hàng của toàn xã hội, để khách hàng dễ dàng tiếp cận mua bảo hiểm để phục vụ bảo vệ, hỗ trợ thiệt hại tài chính nếu có rủi ro xảy ra.
Tiếp nữa là vấn đề cũng rất nhiều người dân quan tâm, đó là các công ty bảo hiểm cũng phải đơn giản hóa thủ tục bồi thường, làm sao để thủ tục bồi thường nhanh chóng và đơn giản, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng. Đây cũng là vấn đề BIC rất quan tâm và đặt lên mục tiêu hàng đầu trong tất cả tiêu chí hoạt động của BIC, lấy khách hàng là trọng tâm.
Vấn đề cuối cùng, BIC mong muốn là các công ty bảo hiểm nói chung cũng cần sự đầu tư nghiêm túc về nguồn lực nhân sự chất lượng. Chất lượng ở đây là từ việc quản lý, kiểm soát tới việc tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng để khách hàng nhận được những tư vấn, trao đổi, giải thích đầy đủ, chính xác và có uy tín trong các sản phẩm bảo hiểm để người dân có thể là nắm rõ và tin tưởng, từ đó có thể tham gia bảo hiểm. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm; sử dụng công nghệ số, chẳng hạn như ứng dụng trên thiết bị di động, trí tuệ nhân tạo (AI)… để quản lý hồ sơ khách hàng, giám sát rủi ro, và xử lý yêu cầu bồi thường một cách hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giảm chi phí vận hành mà còn tăng cường trải nghiệm của người dùng.
Phóng viên: Như ông vừa nói, đa dạng hóa sản phẩm và đơn giản hóa thủ tục bồi thường là một trong những giải pháp các công ty bảo hiểm thực hiện để khách hàng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm. Vậy BIC đã thực hiện những giải pháp này như thế nào?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Về đa dạng hóa sản phẩm, có thể nói một trong những tiềm năng lớn nhất ở thị trường Việt Nam là thị trường bảo hiểm hướng tới phân khúc bán lẻ, tức là người dân và hộ gia đình. Đây là thị trường mà các công ty bảo hiểm nước ngoài cũng đánh giá chúng ta rất tiềm năng. Đối với BIC, chúng tôi cũng liên tục điều chỉnh và nâng cấp các sản phẩm liên quan tới con người cũng như các tài sản cá nhân, hộ gia đình, như nhà cửa, xe ô tô, tài sản… Hiện tại hệ thống nghệ thông tin cũng hỗ trợ chúng tôi thực hiện việc thay đổi, cơ cấu các sản phẩm bảo hiểm để có thể là đưa ra thị trường, hướng tới đem lại cho khách hàng các sản bảo hiểm thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Về vấn đề liên quan tới thủ tục bồi thường, hiện tại đối với bảo hiểm xe cơ giới và con người, BIC cũng đã áp dụng việc thực hiện bồi thường trực tuyến trên nền tảng công nghệ, tức là trên web, app. Đặc biệt với bảo hiểm con người, khách hàng chỉ cần scan gửi các hồ sơ liên quan, BIC sẽ tiếp nhận và thực hiện việc xử lý bồi thường, chuyển trả tiền bảo hiểm cho khách hàng. Đấy là những tiện ích tối đa mà BIC cũng đang thực hiện cho khách hàng.
Bên cạnh các giải pháp tự thân, thời gian vừa qua lĩnh vực bảo hiểm đã nhận được sự hỗ trợ về pháp lý với một loạt sự thay đổi về pháp chế như Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022; Nghị định số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm hay Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng... Tôi cho rằng, cơ sở pháp lý vững chắc, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-thuc-day-thi-truong-bao-hiem/347658.html