Triển vọng trồng cây gai xanh ở xã vùng cao Yên Hòa

Sau hơn 3 năm đưa vào trồng thử nghiệm, cây gai xanh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp người dân ở xã Yên Hòa (Đà Bắc) nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Sau hơn 3 năm đưa vào trồng thử nghiệm, cây gai xanh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp người dân ở xã Yên Hòa (Đà Bắc) nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Cây gai xanh phát triển tốt, mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả thiết thực ở xã Yên Hòa (Đà Bắc).

Cây gai xanh phát triển tốt, mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả thiết thực ở xã Yên Hòa (Đà Bắc).

Yên Hòa là xã vùng cao của huyện Đà Bắc. Xã có địa hình tương đối bằng phẳng, với các bãi đất rộng màu mỡ. Những năm trở lại đây, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có mô hình trồng cây dược liệu và gần đây là trồng cây gai xanh. Năm 2021, cây gai xanh được đưa vào trồng thử nghiệm tại xóm Lang. Đến nay, loại cây trồng này cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với những loại cây khác.

Gia đình anh Hà Văn Luân, xóm Lang trồng khoảng 5.000 m2 cây gai xanh. Trước đây, trên diện tích này gia đình chỉ trồng ngô, trồng sắn, hiệu quả kinh tế đem lại chưa được như kỳ vọng. Từ khi cây gai xanh được đưa vào trồng thử nghiệm, gia đình anh Luân đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại cây mới này. Với thổ nhưỡng phù hợp, kỹ thuật chăm sóc tốt, diện tích trồng gai xanh cho năng suất và thu nhập ổn định. Anh Luân phấn khởi cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năng suất thấp. Từ khi chuyển sang trồng cây gai xanh, thu nhập của gia đình nâng cao. So với cây ngô, cây sắn, trồng gai xanh cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần”.

Hiện nay, xóm Lang có 14 hộ trồng cây gai xanh, tổng diện tích trên 10ha. Theo Trưởng xóm Nguyễn Viết Hùng, qua hơn 3 năm trồng cho thấy, cây gai xanh dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Cây gai xanh trồng vụ đầu tiên sẽ cho thu hoạch sau 75 ngày. Khi thu hoạch chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại, sau đó chỉ cần bón phân, làm cỏ. Các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 47 - 50 ngày. Cây gai xanh cho thu 4 lứa chính trong năm, nếu chăm sóc tốt có thể được 5 lứa và cho thu hoạch liên tục trong 10 năm.

Về đầu ra, hiện hợp tác xã ở thành phố Hòa Bình bao tiêu, thu mua gai xanh của người dân. Với giá thu mua 40.000 đồng/kg vỏ khô, tính ra mỗi 1 ha người dân có thể thu được từ 80 – 100 triệu đồng/năm, cao gấp khoảng 3 lần so với trồng ngô, sắn. "Gia đình tôi hiện trồng 9.000 m2 cây gai xanh. Nhờ vậy mà gia đình cải thiện được thu nhập, mỗi năm thu khoảng 50 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế đem lại, đây thực sự là cây thoát nghèo cho người dân”, ông Hùng chia sẻ.

Đồng chí Bùi Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Đà Bắc đạt 40,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20,8%. Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, Yên Hòa đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có mô hình trồng cây gai xanh. Qua hơn 3 năm đưa vào trồng, cây gai xanh cho thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Do đó, trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích cây gai xanh để thay thế cây trồng kém hiệu quả.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, ngoài xã Yên Hòa, cây gai xanh đã được đưa vào trồng tại các xã: Tú Lý, Cao Sơn, Mường Chiềng, Đồng Chum, Đoàn Kết, Trung Thành với diện tích trên 95 ha. Để phát triển và nhân rộng diện tích, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn duy trì và phát triển ổn định, có hiệu quả diện tích đã cho thu hoạch. Cùng với đó nhân rộng mô hình ra các xã nhằm thay thế dần cây trồng kém hiệu quả, góp phần thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Đà Bắc giai đoạn 2021-2025.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191721/trien-vong-trong-cay-gai-xanh-o-xa-vung-cao-yen-hoa.htm