Triển vọng từ cây sương sâm

Cây sương sâm có tính mát, dùng làm thạch giải khát cho những ngày hè nóng bức. Loại cây này được trồng nhiều ở vùng Tây Nam Bộ và khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tại tỉnh Bình Phước, mô hình trồng cây sương sâm còn khá mới, số hộ trồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhờ trồng cây sương sâm, một nông dân ở xã Phú Trung, huyện Phú Riềng đã 'hái ra tiền'.

Loài cây chỉ lấy lá

Cây sương sâm từng là cây mọc dại trong rừng, leo ở bờ rào. Ngày nay, cây được nhiều hộ dân trồng trong vườn nhà. Cây sương sâm có 2 loại: Lá hình trái tim, bề mặt có lông và lá trơn. Hiện thị trường rất chuộng lá có lông, vì có nhiều dưỡng chất. Trong cuộc đời mỗi người, chắc rằng ai cũng từng một lần được thưởng thức món thạch sương sâm mát lạnh. Và nếu chưa thì bạn hãy thử một lần sẽ bị cuốn hút với loại thức uống giải nhiệt này. Cách làm thạch sương sâm rất đơn giản, chỉ cần vò nát lá cùng với nước, lọc sạch để từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ cho đông thành thạch. Sau đó, thêm đường, nước cốt dừa cùng với đá thì sẽ cho ra thức uống mát lạnh.

Anh Nguyễn Văn Ngọc (bìa phải) “hái lá thu tiền” nhờ trồng cây sương sâm

Anh Nguyễn Văn Ngọc (bìa phải) “hái lá thu tiền” nhờ trồng cây sương sâm

Trong một lần về miền Tây, anh Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Phú An, xã Phú Trung phát hiện cây sương sâm được nhiều hộ dân trồng, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Năm 2023, anh mang cây giống về trồng thử nghiệm trên 1.500m2 đất của gia đình. Ban đầu anh làm giàn bằng cây tre, dây thép và sợi chỉ. Sau đó, anh dùng cọc sắt cố định, cao khoảng 4m để sử dụng lâu dài. Chi phí đầu tư làm giàn loại này khoảng 20 triệu đồng/1.000m2. Hiện anh Ngọc trồng với mật độ 3.500 cây/1.000m2, mỗi gốc cách nhau 30cm, mỗi hàng cách nhau 80cm và giữa các luống cách nhau từ 1-1,2m. Anh Ngọc cho biết, không nên trồng quá dày để những lá dưới gốc không bị thiếu ánh sáng. Nếu chăm sóc tốt, mỗi dây sương sâm có thể thu hoạch trong nhiều năm. Trong quá trình chăm sóc, cần bón phân hữu cơ, bổ sung lượng đạm phù hợp cho cây phát triển xanh tốt. Vào mùa nắng, cây ra lá chậm, nên thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho khu vườn. Tuy nhiên, cây sương sâm rất sợ ngập úng, nếu đất không tơi xốp, thoát nước chậm thì bệnh hại có điều kiện phát triển mạnh, gây chết dây hoàn toàn. Đặc biệt cây sương sâm cũng mắc bệnh vàng lá, thối rễ, chết nhanh như cây hồ tiêu. Vì vậy, không nên tưới nước quá nhiều, thường xuyên dọn sạch gốc thông thoáng giúp đọt non ra nhiều và nắm bắt thời điểm để cột dây sương sâm lên giàn.

Cây “hái lá thu tiền”

Cây sương sâm dễ trồng, nhưng cần hiểu rõ tập tính sinh trưởng, chăm sóc đúng cách thì mới cho năng suất lá ổn định. Sau 5 tháng trồng thử nghiệm, vườn sương sâm của gia đình anh Ngọc cho thu hoạch 500kg lá, xuất bán cho các cơ sở chế biến thạch sương sâm ở các tỉnh, thành. Giá bán 1kg lá từ 55.000-60.000 đồng, khoảng 20 ngày anh Ngọc sẽ thu hoạch lá một lần. Với diện tích hiện tại, 1 năm anh Ngọc thu hoạch khoảng 3 tấn lá, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 130 triệu đồng. Vào mùa mưa, nguồn nước dồi dào, cây phát triển xanh tốt nên lượng lá thu hoạch nhiều. Còn mùa nắng, lá sương sâm “cháy hàng”, không đủ cung cấp cho thị trường nên giá bán sẽ cao hơn. Chỉ cần khu vườn có lá bán là thương lái đặt hàng. Anh Ngọc chia sẻ: “So với những loại cây khác trồng từ 3-6 năm mới cho thu hoạch, cây sương sâm chỉ trồng trong thời gian ngắn là đã có thu. Trên cùng đơn vị diện tích, 1 sào sương sâm có thể mang lại hiệu quả kinh tế bằng 1 ha cao su. Nếu mỗi ngày khu vườn của tôi thu từ 50-100kg lá thì cơ sở sản xuất thạch sương sâm sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm”.

Sau 5 tháng trồng, vườn sương sâm của anh Nguyễn Văn Ngọc đã cho thu hoạch lá

Sau 5 tháng trồng, vườn sương sâm của anh Nguyễn Văn Ngọc đã cho thu hoạch lá

Nhận thấy cây cho thu nhập ổn định, vừa qua, anh Ngọc đã phá toàn bộ sầu riêng trong vườn để trồng 6.000m2 cây sương sâm. Trước đây, anh cột nhiều đọt non lên giàn bằng một sợi chỉ, cách làm này khiến lá chậm phát triển vì thiếu ánh sáng. Vì vậy, sau mỗi lần thu hoạch lá phải đợi 20 ngày sau mới có thể thu hoạch đợt lá tiếp theo. Hiện anh đã thay đổi cách làm, cứ mỗi đọt non sẽ cột một dây chỉ để leo lên giàn. Phương pháp này giúp lá luôn đủ ánh sáng để phát triển tốt, khi hái hết lá già, hôm sau đã có thể thu hoạch đợt lá tiếp theo. Khi mở rộng diện tích, trong tương lai, vườn sương sâm của anh Ngọc sẽ cho thu hoạch mỗi ngày. Anh Ngọc cho biết, trồng sương sâm tốn ít công chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều, trồng một lần nhưng có thể thu hoạch lá lâu dài nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Nếu chăm sóc đúng quy trình, 1 ha có thể cho thu hoạch hơn 30 tấn lá/năm. Lá sương sâm là mặt hàng không bao giờ “ế”.

“Hiện trên địa bàn xã Phú Trung chỉ có duy nhất hộ anh Ngọc trồng cây sương sâm. Theo tôi, đây là mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả, tốn ít chi phí đầu tư nhưng cho thu nhập ổn định. Với mức đầu tư từ 15-20 triệu đồng/1.000m2, những hộ có ít đất cũng có thể trồng để tăng thu nhập. Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã giới thiệu nhiều người đến tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng sương sâm của anh Ngọc. Hy vọng thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng để giúp các hộ dân có thu nhập ổn định”.

Ông VŨ THANH LONG, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Trung, huyện Phú Riềng

Có thể nói, sương sâm là cây trồng triển vọng mang lại lợi nhuận cao nếu được đầu tư đúng mức. Với mong muốn phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn, anh Ngọc rất mong có nhiều hộ cùng trồng sương sâm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp cây giống. Khi lượng lá thu hoạch ngày càng nhiều thì càng dễ tiêu thụ sản phẩm. Khi đó, các cơ sở sản xuất chế biến thạch sương sâm sẽ ký hợp đồng bao tiêu thu mua lá cho người trồng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Phú Trung định hướng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình. Qua đó, nông dân có thể nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sương sâm, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

Thùy Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/159535/trien-vong-tu-cay-suong-sam