Triển vọng từ mô hình mới

Từ bước đầu thử nghiệm trồng dược liệu để sử dụng trong nhà nhằm nâng cao sức khỏe, giờ đây, tuy chỉ với ít diện tích đất nhưng bà Phạm Phương Lan (sinh năm 1962, ngụ Khóm 3, phường Tân Thành) đã nhân giống thành công atiso đông trùng thảo để làm kinh tế. Không chỉ có thêm nguồn thu nhập, bà còn tích cực chia sẻ giống cho các hội viên phụ nữ trong vùng.

Năm 2021, bà Lan lần đầu biết đến dược liệu atiso đông trùng thảo. Từ ít củ ban đầu được tặng, bà trồng gây giống, chỉ sau thời gian ngắn, cây bén rễ và phát triển mạnh. Qua tìm hiểu, bà biết được đây là dược liệu có thể giúp tăng cường sức đề kháng, khi củ thu hoạch có thể ăn liền hoặc chế biến để sử dụng lâu dài; hiệu quả được chứng thực khi sức khỏe các thành viên trong nhà cải thiện dần.

Sau 4 tháng trồng atiso có thể thu hoạch nhiều thành phẩm như củ, thân, lá rễ tất cả đều mang vị thuốc.

Sau 4 tháng trồng atiso có thể thu hoạch nhiều thành phẩm như củ, thân, lá rễ tất cả đều mang vị thuốc.

Ông Lương Quốc Dũng (chồng bà Lan) chia sẻ: “Cây này rất dễ trồng, ưa nước nên mùa mưa là mùa sinh sôi mạnh. Trồng khoảng 4 tháng thì cho thu hoạch. Tất cả các bộ phận từ rễ, thân, lá đều có thể đun làm trà uống hằng ngày, riêng củ có thể ăn liền. Củ có vị ngọt thanh, vị thuốc thoang thoảng, đặc biệt khi phơi khô, vị thuốc đậm mùi đặc trưng, có thể bảo quản sử dụng lâu dài”.

Mô hình mới dược liệu atiso đông trùng thảo được các hội viên phụ nữ đến tham quan và học tập kinh nghiệm.

Mô hình mới dược liệu atiso đông trùng thảo được các hội viên phụ nữ đến tham quan và học tập kinh nghiệm.

Mô hình mới của gia đình cũng được Hội LHPN phường nhiều lần tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, nhân rộng từng bước. Sau khi thành phẩm ổn định, hội tiến hành giới thiệu rộng rãi đến các trang thông tin của hội, vừa để gia đình có thêm nguồn thu, cũng như để mọi người tiếp cận thêm vị thuốc mới.

Với các thành phẩm thu được từ atiso đông trùng thảo, bà Lan bán củ tươi với giá 1 triệu đồng/kg; riêng củ được phơi khô, cứ 4 kg tươi sẽ ra 1 kg atiso khô. Bên cạnh đó, bà còn bán cây giống cho những ai có ý định trồng thử nghiệm. Về hình dáng, cây có bề ngoài tương tự cây bạc hà, trên phần lá có đường gân. Kích thước nhỏ như những loại rau ăn lá thông thường, riêng phần củ cũng là phần có giá trị về mặt dược liệu có màu trắng đục, hình dáng như con sùng đất.

Ngoài ra, với niềm đam mê cây kiểng, bà Lan tận dụng khuôn viên đất trống cạnh nhà, trồng hơn 300 gốc kiểng bonsai các loại gồm: mai chiếu thủy, mai kim, mai nụ mặt khỉ, bông trang, sứ các loại. Ðây cũng là phần kinh tế phụ nhiều năm qua của bà.

Ngoài trồng trọt thì sở thích lớn của bà Lan là tạo hình cây kiểng bonsai, bà có thể nhẫn nại hàng giờ đồng hồ chỉ để uốn nắn, chỉnh sửa chi tiết trên cây theo ý muốn.

Ngoài trồng trọt thì sở thích lớn của bà Lan là tạo hình cây kiểng bonsai, bà có thể nhẫn nại hàng giờ đồng hồ chỉ để uốn nắn, chỉnh sửa chi tiết trên cây theo ý muốn.

Chị Huỳnh Thị Vis Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Thành, cho biết: “Ðối với những mô hình mới có tiềm năng phát triển kinh tế, hội hết sức ủng hộ chị em hội viên tích cực tham gia và phát triển. Riêng với mô hình trồng atiso đông trùng thảo là một trong những mô hình mới triển vọng tại địa phương”./.

Nhi Yến

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/trien-vong-tu-mo-hinh-moi-a31578.html