Triển vọng từ mô hình nuôi sò huyết trong ao tôm

Lâu nay, tôm vẫn là con nuôi thủy sản chủ lực của nhiều nông dân ven biển huyện Kim Sơn. Tuy nhiên, để giảm áp lực về môi trường cũng như rủi ro dịch bệnh, người dân ở đây đã sáng tạo, thả thêm các con nuôi khác, trước là cua, nay là sò huyết-một đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, tạo thành mô hình sản xuất kết hợp, đa tầng rất hiệu quả.

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi thử nghiệm sò huyết thương phẩm tại gia đình bà Vũ Thị Nga (xã Kim Trung).

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi thử nghiệm sò huyết thương phẩm tại gia đình bà Vũ Thị Nga (xã Kim Trung).

“Một vốn bốn lời”

Nhiều năm nuôi tôm quảng canh cải tiến (tôm, cua, cá) kết hợp nhưng không hiệu quả do ảnh hưởng của dịch bệnh, môi trường bất lợi, ông Vũ Văn Thập (xã Kim Đông) đã thử nghiệm mô hình nuôi sò huyết kết hợp tôm sú với diện tích 6 mẫu. Khoảng 3 năm nay, mô hình đã phát triển tốt, thoát được dịch bệnh, lợi nhuận đạt được khá cao. Ngay trong vụ nuôi đầu tiên, gia đình ông đầu tư thả 50 triệu đồng tiền giống, sau 8 tháng được thu hoạch, gia đình lãi được 100 triệu đồng. Còn năm nay, do đã có kinh nghiệm nuôi dưỡng nên tỷ lệ đậu tăng, với 150 triệu đồng tiền giống thả từ đầu năm, đến nay gia đình đã thu được 3 tấn sò huyết thương phẩm, tương đương với khoản doanh thu 600 triệu đồng.

Ông Thập cho biết: Nuôi sò huyết công chăm sóc rất ít, chỉ cần đầu tư mua con giống, không tốn chi phí thức ăn vì thức ăn chủ yếu của chúng là mùn, bã hữu cơ, sinh vật phù du có sẵn trong đầm. Hơn nữa, nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm sẽ không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm nuôi, mặt khác, còn tạo điều kiện thích hợp cho con cua phát triển. Vì thế, đồng vốn bỏ ra một nhưng mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần.

Cũng như ông Thập, nhận thấy những bãi bồi ven biển có tầng đáy cát pha bùn ngoài đê Bình Minh 3 là môi trường lý tưởng để sò huyết sinh trưởng nên năm 2020, gia đình bà Vũ Thị Nga (xã Kim Trung) đã cải tạo để nuôi thí điểm sò huyết xen tôm và cua xanh. Đến nay, gia đình bà đã mở rộng diện tích lên 1 ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường 3 tấn sò huyết thương phẩm với giá bán giao động từ 180-200 nghìn đồng/1kg, sau khi trừ chi phí thu về khoản lợi hàng trăm triệu đồng.

Sò huyết nuôi 8 tháng, đạt kích cỡ 80-100 con/1kg là có thể thu hoạch.

Sò huyết nuôi 8 tháng, đạt kích cỡ 80-100 con/1kg là có thể thu hoạch.

Bà Nga chia sẻ: Ban đầu, khi tham gia thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm sò huyết do Chi cục Thủy sản hỗ trợ thì gia đình cũng có chút băn khoăn, lo lắng, vì đây là đối tượng mới, trong vùng chưa có ai nuôi. Nhưng nhờ sự hướng dẫn, cầm tay chỉ việc tận tình của các cán bộ kỹ thuật, tôi dần nắm được quy trình nuôi, từ việc sục bùn, tạo thức ăn tự nhiên cho con sò, đến việc bảo vệ sò những ngày thời tiết nắng nóng, hoặc nhiệt độ giảm thấp...

“Nhìn chung, so với tôm, nuôi con sò huyết dễ nuôi hơn nhiều. Hơn nữa, sò huyết có thể nuôi lâu dài, nếu gặp thời điểm giá sụt giảm, chúng tôi hoàn toàn có thể trữ lại chờ giá tăng để nâng cao thu nhập mà không lo chi phí thức ăn, điện, thuốc. Tôi nuôi sò đã 5 năm nay rồi, chưa thất bại vụ nào. Mỗi vụ lãi ít hay nhiều tùy thuộc vào thời tiết và con giống thôi. Tuy không là con nuôi chính nhưng thu nhập từ nuôi sò huyết từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm"- bà Nga cho hay.

Tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật, nhân rộng mô hình

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2018, Chi cục đã thực hiện mô hình “Hỗ trợ nuôi thử nghiệm sò huyết thương phẩm vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn”. Sau khi nhận thấy đối tượng sò huyết khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của huyện Kim Sơn và đây là một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, Chi cục đã tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi đến người dân. Năm 2023, Trạm thủy sản đã thực hiện sáng kiến “Nuôi ghép sò huyết trong ao nuôi tôm sú tại vùng ven biển huyện Kim Sơn nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích”. Sáng kiến đã đem lại hiệu quả tích cực về phương diện canh tác vùng ven biển huyện Kim Sơn.

Người dân ven biển huyện Kim Sơn thu hoạch sò huyết.

Người dân ven biển huyện Kim Sơn thu hoạch sò huyết.

Đến nay, diện tích nuôi sò huyết thương phẩm trên địa bàn huyện Kim Sơn đã nhân rộng lên khoảng 75 ha, trong đó, nuôi ngoài bãi triều là 45 ha, nuôi trong ao là 30 ha.

Ông Nguyễn Quang Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù, mô hình nuôi sò huyết thương phẩm ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong đầm tôm, cua là mô hình nuôi kết hợp, đa tầng hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất và khả năng đầu tư của nông dân tại địa phương; có rất nhiều triển vọng, có thể phát triển mô hình kinh tế quy mô lớn, góp phần xóa thế độc canh con tôm như hiện tại.

Tới đây, Chi cục sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi từ ngoài bãi bồi cho đến nuôi trong ao tôm quảng canh cải tiến, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Ngành chuyên môn khuyến cáo để mô hình nuôi sò huyết trong ao tôm đạt hiệu quả cao, người nuôi nên chú ý chọn nuôi ở nơi ít sóng gió, gần cửa sông, chất đáy tốt nhất là bùn mềm pha lẫn cát mịn. Không nên thả mật độ quá dày, chỉ khoảng 90-100 con/m2. Trong quá trình nuôi cần chú ý sự thay đổi của các yếu tố môi trường, nhất là nồng độ muối; định kỳ cào sò xung quanh lưới chắn để san thưa vì sò thường tập trung xung quanh lưới chắn. Việc cào sò để san thưa cũng giúp tiêu diệt địch hại, cân bằng mật độ, giúp sò mau lớn hơn. Bên cạnh đó, nên sử dụng phân hoai mục, chế phẩm sinh học, cám gạo gây màu tạo thức ăn trong ao nuôi. Về việc thu hoạch, có thể tiến hành quanh năm tùy theo thị trường, nhưng tốt nhất nên vào thời điểm sò thành thục sinh dục vì giai đoạn này sò béo, đạt tối đa cả về khối lượng và chất lượng.

Một trở ngại hiện nay là về con giống, Ninh Bình mới sản xuất được con giống cỡ nhỏ, chưa ương nuôi được con giống sò huyết cỡ lớn mà chủ yếu nhập từ tỉnh ngoài (Hải Phòng, Quảng Ninh...), chất lượng chưa được đảm bảo, giá thành cao… Trước thực tế trên, ngành chuyên môn cần mời các chuyên gia đầu ngành về phối hợp nghiên cứu, học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật sản xuất, ương nuôi sò huyết giống để từ đó chủ động được nguồn con giống tại chỗ, giúp hạ giá thành và thúc đẩy sản xuất sò thương phẩm trong ao tôm thời gian tới.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trien-vong-tu-mo-hinh-nuoi-so-huyet-trong-ao-tom-754755.htm