Bình Dương hướng đến phát triển kinh tế xanh
Bình Dương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng, thu hút lượng lớn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình này kéo theo không ít thách thức trong việc bảo vệ môi trường.
Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt và đồng bộ nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường
Bình Dương hiện có 100% dự án đầu tư mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý chất thải, nước thải đạt quy chuẩn môi trường; 98,6% lượng chất thải rắn sinh hoạt và 100% chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đúng quy định. Chất lượng nước sông Sài Gòn và Đồng Nai cơ bản đạt quy chuẩn cấp nước sinh hoạt. Tỉnh luôn chủ động đi đầu trong áp dụng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Các khu công nghiệp bắt đầu chuyển mình, hướng tới phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường.
Trong đó, Khu công nghiệp VSIP III đã triển khai mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu chất thải trong sản xuất. Đặc biệt, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới tại Bình Dương. Nhà máy có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, được phát triển theo tiêu chuẩn xanh, bền vững, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xanh . Tương tự, Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch đầu tư hơn 200 triệu USD để phát triển khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon tại huyện Phú Giáo, chuyên sản xuất giày dép và các sản phẩm hạ tầng giảm thiểu carbon.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận cho biết, đơn vị đang nghiên cứu và thúc đẩy mô hình Khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Việt Nam, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế EIP 2.0, nhằm phát triển công nghiệp thông minh và xanh hơn, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn có tác động tích cực đến môi trường, cộng đồng.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương Ngô Quang Sự thông tin, tỉnh đã đầu tư các dự án xử lý chất thải và sản xuất phân compost, nhà máy đốt rác thải phát điện với công suất lên đến 4,6 MW. Đây là những giải pháp quan trọng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Tỉnh triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường từ doanh nghiệp đến người dân.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Những năm qua, Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ môi trường. Tỉnh đã xây dựng và triển khai 5 kỳ kế hoạch bảo vệ môi trường 5 năm, trong đó có các biện pháp rõ ràng về quản lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động công nghiệp, sinh hoạt và giao thông.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ngô Quang Sự cho biết, Bình Dương đã ban hành nhiều quy định về bảo vệ môi trường như việc phân bố ngành công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường; quy định các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cần được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, tỉnh áp dụng chính sách di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào khu công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời thực hiện tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên các phương tiện truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào việc bảo vệ môi trường.
Điểm mạnh là Bình Dương đã ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý môi trường thông qua triển khai hệ thống quan trắc tự động, theo dõi các chỉ số môi trường như chất lượng không khí, nước, tiếng ồn và kiểm soát các nguồn thải trong khu công nghiệp. Hệ thống quan trắc giúp giám sát môi trường 24/7 và có thể phát hiện kịp thời các nguy cơ ô nhiễm để có biện pháp xử lý nhanh chóng.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường cho gần 10.000 doanh nghiệp cũng giúp tỉnh kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý môi trường. Hệ thống này còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cải thiện việc bảo vệ môi trường, giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện và xử lý vi phạm.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện quy trình phân loại chất thải tại nguồn, tăng cường đổi mới công nghệ xử lý chất thải để giảm thiểu việc chôn lấp chất thải. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tỉnh cũng triển khai rộng rãi các chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; kiểm soát việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm bảo vệ nguồn nước, khuyến khích sử dụng công nghệ tiết kiệm nước trong các ngành sản xuất, sinh hoạt.
Ngoài ra, tỉnh tập trung kiểm kê khí nhà kính, phát triển các công trình giao thông xanh, giảm thiểu ùn tắc giao thông để giảm phát thải khí nhà kính. Các dự án sử dụng phân hữu cơ và công nghệ xanh trong nông nghiệp sẽ được mở rộng để tăng cường sự phát triển bền vững. Bình Dương cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào mô hình khu công nghiệp sinh thái, nơi áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Bình Dương thường niên tổ chức ghi danh các doanh nghiệp vào Sách xanh của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng thông tin, để được ghi danh vào Sách Xanh, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt, đầy đủ giấy tờ pháp lý về môi trường, duy trì hoạt động sản xuất không gây tác động tiêu cực đến cộng đồng, thực hiện tốt nghĩa vụ xã hội. UBND tỉnh Bình Dương kỳ vọng, các doanh nghiệp đạt Sách Xanh tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong bảo vệ môi trường; kêu gọi sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/binh-duong-huong-den-phat-trien-kinh-te-xanh/359574.html