Triển vọng từ mô hình trồng dưa hấu ở Vị Ke

Những mầm dưa hấu xanh mướt đang từng ngày phủ kín các cánh đồng ở thôn Vị Ke, xã Nậm Ban (Mèo Vạc). Thành công bước đầu từ mô hình trồng dưa hấu nơi đây không chỉ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Người tiên phong trồng cây dưa hấu

Năm 2019, trong khi nhiều hộ dân vẫn loay hoay với cây lúa một vụ cho hiệu quả thấp, ông Hoàng Văn Lù, trưởng thôn Vị Ke đã mạnh dạn chuyển đổi 700 m² đất sang trồng thử nghiệm dưa hấu. Ngay trong vụ đầu triển khai, cây dưa đã phát triển tốt, cho quả to, ngọt, đạt sản lượng khá, bước đầu có sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường.

Cây dưa hấu ở thôn Vị Ke, xã Nậm Ban sinh trưởng, phát triển tốt.

Cây dưa hấu ở thôn Vị Ke, xã Nậm Ban sinh trưởng, phát triển tốt.

Kết quả khả quan này đã tiếp thêm động lực để ông Lù mở rộng diện tích cây dưa hấu lên 2.000 m2 vào năm 2020. Năm ấy dưa hấu được mùa, lại trúng giá, bình quân từ 10 – 20 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên 25 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập cho ông Lù hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, từ năm 2021 đến nay, ông Lù đã mở rộng diện tích trồng dưa hấu của gia đình lên 6.000 m². Với diện tích này, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập cho ông Lù khoảng 100 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Văn Lù: Cây dưa hấu rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Mỗi năm có thể trồng được 3 vụ, nhưng chủ yếu trồng 2 vụ, từ tháng 2 – 9 hằng năm, mỗi vụ kéo dài 3 – 4 tháng. Bình quân mỗi quả dưa hấu khi thu hoạch nặng từ 2 – 3 kg. Nhiều thương lái và người tiêu dùng đánh giá, dưa hấu trồng ở thôn Vị Ke có chất lượng tốt, vị ngọt mát, lòng đỏ, giòn, chắc, có thể ăn trực tiếp hoặc ép nước, làm sinh tố đều rất ngon.

Để cây dưa hấu sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm đảm bảo chất lượng, ngay ở khâu gieo trồng ông Lù đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn mua giống cây có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình thực hiện trồng dưa hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó ông sử dụng phân chuồng để chăm bón cây và các biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại.

Nhân rộng mô hình, chung tay giảm nghèo

Không giữ riêng kinh nghiệm cho mình, ông Hoàng Văn Lù tích cực vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho 12 hộ dân khác trong thôn cùng chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng dưa hấu. Nhờ vậy, đến nay tổng diện tích trồng dưa hấu trong thôn đã lên tới hơn 5 ha. Tổng thu nhập của các hộ trong thôn từ trồng dưa đạt khoảng 800 triệu đồng/năm.

Bà Vàng Thị Chia, thôn Vị Ke chia sẻ: Được sự tuyên truyền, vận động của Trưởng thôn Hoàng Văn Lù, từ năm 2021, gia đình tôi đã chuyển đổi 3.000 đất vườn kém hiệu quả sang trồng dưa hấu. Do cây dưa hấu có thời gian sinh trưởng ngắn nên tôi trồng được 2 vụ/năm. Bình quân mỗi năm gia đình có thêm nguồn thu nhập gần 50 triệu đồng từ trồng dưa hấu. Giá trị thu nhập này cao hơn hẳn so với trước đây khi chưa thực hiện chuyển đổi. Đây là kết quả đáng mừng, tạo động lực để gia đình tôi phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới.

Có thể khẳng định, thành công bước đầu từ mô hình dưa hấu ở thôn Vị Ke không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân, mà còn góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ tự cung tự cấp sang tư duy hàng hóa. Đây được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Đặc biệt, trong 13 hộ tham gia trồng dưa hấu tại thôn Vị Ke từ năm 2022, đến nay đã có 4/13 hộ được công nhận thoát nghèo, dự kiến trong năm 2025 sẽ có thêm 2 – 3 hộ thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, Hoàng Văn Huân cho biết, thời gian tới, xã tập trung triển khai các giải pháp về giống, kỹ thuật, kết nối thị trường nhằm tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đưa dưa hấu trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202504/trien-vong-tu-mo-hinh-trong-dua-hau-o-vi-ke-8161588/